(HNM) -
"Phố ông Đồ" hoạt động tự phát trên vỉa hè phố Văn Miếu từ sau rằm tháng Chạp đến rằm tháng Giêng hằng năm đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thông khu vực này. Tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy dưới lòng đường và hai bên vỉa hè phố Văn Miếu rất phản cảm. Hơn nữa, "phố ông Đồ" hình thành tự phát, không có cơ quan chuyên môn nào thẩm định và công nhận trình độ viết thư pháp của các ông Đồ, chữ cũng được bán với giá cao, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu tới nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đáng nói hơn, việc đóng đinh các bức thư pháp lên tường di tích Văn Miếu là vi phạm hành lang bảo vệ di tích bởi khu vực này nằm trong vùng cần được bảo vệ nghiêm ngặt (vùng bảo vệ I) theo Luật Di sản văn hóa.
Xin chữ đầu Xuân - Nét đẹp truyền thống của người Việt. Ảnh: Viết Thành |
Thế nhưng, một phần "phố ông Đồ" mới vào "quy hoạch" trong hồ Văn cũng còn nhiều bất hợp lý, các gian hàng được dựng lên quá ít, chỉ đủ cho 50-60 ông Đồ hoạt động, trong khi thực tế có khoảng 150 ông Đồ "cho chữ" đầu xuân. Thêm nữa, "phố ông Đồ" trong khu vực hồ Văn tập hợp người viết chữ Hán, trong khi thư pháp tiếng Việt lại được rất nhiều người quan tâm. Việc dựng lều, bạt, chia thành từng gian hàng để che mưa, che nắng cho các ông Đồ thỏa sức phóng bút vô hình trung mang lại cảm giác ngột ngạt, bức bối với hoạt động vốn đi vào tiềm thức của người dân như nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết: "Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông Đồ già. Cầm mực tàu giấy đỏ. Trên phố đông người qua". Vì những lý do đó, "phố ông Đồ" Xuân Giáp Ngọ hoạt động ở cả hai địa điểm, cho dù lực lượng an ninh trật tự đã ra quân quyết liệt và sau đó các cơ quan chức năng đã khuyến khích, miễn phí mọi dịch vụ để tất cả các ông Đồ vào hoạt động trong khu vực hồ Văn.
Khảo sát thực tế cho thấy, đa số ông Đồ hoạt động trong khu vực hồ Văn được tuyển chọn từ CLB Thư pháp Phương Nam và CLB Thư pháp Quang Anh, có đeo thẻ của BTC, giá chữ được niêm yết công khai. Sau ít ngày vắng khách, từ 29 Tết Giáp Ngọ đến nay, các gian hàng ông Đồ ở hồ Văn nhộn nhịp khách vào ra, bãi gửi xe kín chỗ. Hoạt động "xin - cho" chữ diễn ra trong trật tự. Ngược lại, "phố ông Đồ" trên vỉa hè Văn Miếu lại gây mất mỹ quan đô thị vì người "xin" chữ theo thói quen thường gửi xe bên đường Văn Miếu rồi sang "xin chữ", còn người "cho" chữ có cả những nhà thi pháp bậc thầy như Cung Khắc Lược, Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ, cho đến những người mới tập tành viết chữ, khiến khách hàng phải tinh mới xin được chữ như "phượng múa, rồng bay". Cũng vì không có sự tuyển chọn, không bắt buộc tuân thủ các quy định của BTC nên "phố ông Đồ" trên vỉa hè Văn Miếu có nhiều hoạt động tự phát xen kẽ, như: Vẽ chân dung, truyền thần, bán tranh, thậm chí là viết sớ; giá chữ không được niêm yết công khai...
Nói về việc đưa "phố ông Đồ" vào quản lý, ông Đồ trẻ Lê Huy Hoàng hoạt động trong khu vực hồ Văn chia sẻ: "Truyền thống xin - cho chữ không phải ở vỉa hè, càng không phụ thuộc vào địa điểm cho mà là cách cho, cũng như cái tâm của người xin. Thời xưa, những người yêu chữ phải đến tận nhà các thầy đồ danh tiếng để xin, sau khi xem xét, thầy đồ mới quyết định cho chữ hay không, chứ không cho một cách ào ào. Thời nay, việc xin - cho chữ là nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về nên việc các cơ quan chức năng đưa "phố ông Đồ" vào quản lý để duy trì, phát triển là hợp lý. Tôi cho rằng, hồ Văn là một trong những điểm tuyệt vời để "phố ông Đồ" hoạt động, chỉ tiếc năm nay BTC bố trí các gian hàng chật và hơi kín".
Nhận rõ những bất cập đó, bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội cho hay: "Năm đầu tiên đưa "phố ông Đồ" vào quản lý khó có thể tránh được những thiếu sót, chúng tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp. Nếu các cơ quan chức năng tiếp tục chọn hồ Văn làm địa điểm tổ chức "phố ông Đồ" vào năm 2015, chúng tôi sẽ mở rộng các gian hàng ra toàn bộ khu vực hồ và bài trí, sắp xếp sao cho hợp lý nhất; sẽ tuyển chọn thêm các nhà viết thư pháp tiếng Việt; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nâng cao nhận thức của người dân và du khách về giá trị, ý nghĩa của tục xin - cho chữ đầu xuân". Ở góc độ quản lý, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định: "Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", ngành văn hóa Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng từng bước lập lại kỷ cương, xây dựng ý thức văn minh trên các tuyến phố trong đô thị, tuyến đường Văn Miếu không phải là ngoại lệ. Trên tinh thần đó, "phố ông Đồ" sẽ được duy trì tổ chức thường niên trong khu vực hồ Văn. Sau hội Xuân Giáp Ngọ, Sở VH,TT&DL Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, quận Đống Đa và các phường xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám họp bàn, rút kinh nghiệm để tìm ra phương án thích hợp cho những năm tiếp theo".
Như vậy, "phố ông Đồ" đã, đang và sẽ được duy trì như một nét đẹp văn hóa quý giá của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.