Hà Nội kết nối

Cần phân loại xe cấp cứu và xe vận chuyển bệnh nhân để quản lý tốt hơn

Thu Hoài 27/11/2023 - 12:52

Tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, nhiều người dân phản ánh tình trạng xe cứu thương hú còi chạy ồn ào ngoài đường, gây bất an, trong khi không rõ có vận chuyển bệnh nhân hay không. Ngày 27-11, Sở Y tế đã có thông tin về vấn đề này.

a491a.jpg
Cần sớm có quy chuẩn cụ thể hơn cho lĩnh vực vận chuyển cấp cứu.

Giá dịch vụ vận chuyển “tùy hứng”

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, do ngành Y tế chưa có quy định số lượng xe cấp cứu cụ thể cho mỗi cơ sở y tế; kinh phí mua sắm xe cấp cứu lớn nên việc còn thiếu xe cấp cứu là tất yếu. Trong bối cảnh đó, việc các doanh nghiệp cơ sở tư nhân đầu tư tham gia thị trường vận chuyển cấp cứu là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để quản lý loại hình vận chuyển này lại chưa đầy đủ.

Cụ thể, giá dịch vụ hiện không thống nhất, hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa bên vận chuyển và gia đình bệnh nhân, dẫn tới có trường hợp đơn vị vận chuyển thu tiền quá cao, khiến người nhà bệnh nhân bất bình.

Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt mới đây thu tiền vận chuyển bệnh nhi và người nhà từ Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh với giá 16 triệu đồng, khiến dư luận bất bình.

a493.jpeg
Hiện chưa có phân biệt giữa xe cấp cứu và xe vận chuyển bệnh nhân thông thường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mức giá vận chuyển cấp cứu của các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân cũng “tùy hứng”. Đơn cử như cùng một chuyến xe vận chuyển người bệnh từ thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đến thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 1,2 triệu đồng đến hơn 3,5 triệu đồng/lượt cho quãng đường 70km; trên xe có bác sĩ đi kèm và trang bị bình ôxy… Tương tự, giá xe vận chuyển bệnh nhân từ thành phố Hồ Chí Minh về Đắk Lắk khoảng 4 triệu đồng/chuyến.

Từ một khía cạnh khác, anh Trương Chí Nghĩa, ngụ tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Nơi tôi sống có nhiều bệnh viện, xe cứu thương hú còi chạy suốt ngày, cảm giác rất bất an. Có xe chạy hú còi, vượt đèn đỏ, nhưng bên trong không có bệnh nhân. Có xe chạy như xe ưu tiên, nhưng bệnh nhân và người nhà trong xe vẫn cười nói vui vẻ, không rõ là thế nào?”.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, theo quy định, các đơn vị tham gia vận chuyển cấp cứu ngoại viện phải được đăng ký và được cấp phép hoạt động với sở y tế địa phương. Các đơn vị được phép thỏa thuận mức giá vận chuyển tùy theo từng trường hợp cụ thể, nhưng phải kê khai khung giá dịch vụ với sở y tế và chỉ được thu tiền trong khung giá đó. Nếu vi phạm, sẽ bị xử phạt.

a492.jpg
Một đơn vị vận chuyển cấp cứu đã bị Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vì vi phạm.

“Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt Công ty vận chuyển cấp cứu Xuyên Việt 115, Công ty TNHH Sang Chí Thành, Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 Huỳnh Quốc… với số tiền hàng trăm triệu đồng do những vi phạm nêu trên. Cùng với đó, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các vi phạm khác trong lĩnh vực này”, Giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng thông tin.

Cần hành lang pháp lý đầy đủ

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, để giải quyết vấn nạn lạm thu trong vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển cấp cứu, cần một hành lang pháp lý đầy đủ hơn. Thứ nhất, cần phân biệt vận chuyển cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp với xe được trang bị đầy đủ trang thiết bị và bác sĩ đi kèm. Thứ hai, vận chuyển bệnh nhân chuyển viện hoặc về nhà thông thường, với xe có trang bị y tế đơn giản hơn; người đi cùng chỉ cần chuyên môn sơ cứu…

a494a.jpg
Xe vận chuyển bệnh nhân có trang bị đơn giản hơn so với xe cấp cứu.

Cụ thể, các cơ sở tư nhân phù hợp hơn khi tham gia loại hình vận chuyển người bệnh (không cấp cứu). Xe vận chuyển loại này không được trang bị còi hụ, không được gắn đèn cấp cứu, dụng cụ theo xe đơn giản, không cần bác sĩ theo xe, nên chi phí sẽ thấp hơn. Xe cấp cứu thì ngược lại, là xe ưu tiên của đơn vị y tế, được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế hỗ trợ cấp cứu, có bác sĩ theo xe…, nên chi phí sẽ cao hơn.

“Các nước quy định rất rõ 2 loại xe này, với các tên Emmergency Ambulance (xe cấp cứu) và xe Ambulance (xe vận chuyển bệnh nhân) với cơ chế quản lý khác nhau. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu Bộ Y tế xem xét về vấn đề này”, ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm.

a496.jpg
Xe cứu thương có trang bị đầy đủ, đồng bộ hơn.

Về phần mình, ngày 27-11, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở vừa rà soát 10 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển người bệnh cấp cứu (bao gồm cả trung tâm vận chuyển cấp cứu 115) nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Theo đó, tính đến cuối tháng 11-2023, chỉ còn 8 cơ sở hoạt động.

Trong số này, 6 cơ sở có sai phạm và bị đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, chủ yếu do các lỗi: Không có bãi đậu xe; chưa bổ sung kịp thời đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu trên xe cứu thương theo quy định; sử dụng nhân sự chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế; không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám bệnh; chưa tiến hành thủ tục xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo các dịch vụ cấp cứu, vận chuyển và hỗ trợ người bệnh theo quy định…

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở Y tế kêu gọi các cơ sở vận chuyển cấp cứu người bệnh phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ các quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ này.

Người dân khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 098 940 1155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phân loại xe cấp cứu và xe vận chuyển bệnh nhân để quản lý tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.