(HNM) - Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta thừa nhận thực tế là còn có nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có trình độ công nghệ lạc hậu. Cũng gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) có cảnh báo về danh mục 2.255 doanh nghiệp (DN) của Trung Quốc bị loại bỏ do sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KHCN) xung quanh thực trạng công nghệ của các DN Việt Nam hiện nay.
“Lỗ hổng” trong phân cấp đầu tư
- Một cuộc khảo sát gần đây của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh tại gần 700 DN hoạt động tại 12 khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn để đánh giá trình độ công nghệ cho thấy: 51% DN có trình độ công nghệ lạc hậu; chỉ có 25% đơn vị có công nghệ đạt khá trở lên. Ông có ngạc nhiên về con số này?
- Theo tôi, số liệu khảo sát này không phải là số liệu của riêng DN FDI mà bao gồm cả các DN trong nước. Trong quá trình tham gia thẩm tra công nghệ để cấp phép các dự án đầu tư, Bộ KHCN cũng nhận thấy có nhiều DN chưa chú ý đến việc lựa chọn công nghệ mới tiên tiến, máy móc, thiết bị hiện đại. Vấn đề này thực ra cũng dễ hiểu, khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải tính toán làm sao để có thể thu lợi nhuận sớm nhất trong tương lai. Một đặc điểm quan trọng là các DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (thậm chí là DN siêu nhỏ) nên tiềm lực tài chính rất hạn chế. Chính vì vậy, họ thường chọn bài toán đầu tư với chi phí thấp và có hiệu quả kinh tế trong tương lai gần, nghĩa là phải chấp nhận mua máy móc, thiết bị, có trình độ trung bình tiên tiến (hoặc chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực), nhiều trường hợp là thiết bị, máy móc đã qua sử dụng. Ngoài ra, còn phải kể đến các nhà máy, xí nghiệp đã được đầu tư hàng chục năm, thiết bị, công nghệ đã trở nên lỗi thời mà các DN chưa có nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Tất nhiên, với những máy móc, thiết bị, công nghệ như thế thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường sẽ không cao.
- Thưa ông, một dự án đầu tư phải có phần nội dung giải trình về công nghệ, trong đó có so sánh các phương án công nghệ để lựa chọn ra giải pháp tối ưu và dự kiến danh mục máy móc, thiết bị cho dây chuyền sản xuất đó? Qua nhiều cấp phê duyệt, tại sao công nghệ lạc hậu vẫn được nhập về?
- Để có cơ sở xem xét về công nghệ, thiết bị của một dự án đầu tư, trong hồ sơ dự án, phải có nội dung giải trình về công nghệ, có các phương án công nghệ để phân tích, so sánh từ đó lựa chọn ra phương án công nghệ tối ưu. Đồng thời, phải lập một danh mục máy móc, thiết bị dự kiến cần phải nhập khẩu, trong đó làm rõ các đặc tính kỹ thuật chủ yếu, nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, tình trạng cũ - mới của thiết bị, tính đồng bộ của dây chuyền thiết bị...
Trước đây, vấn đề thẩm định dự án đầu tư (trong đó có nội dung thẩm định công nghệ) được quan tâm đúng mức, nên yêu cầu về hồ sơ dự án (trong đó có nội dung công nghệ) bắt buộc phải có để có thể xem xét, có ý kiến trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT). Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư hiện nay đã bỏ qua các yêu cầu quan trọng của công tác thẩm định nhằm rút ngắn thời gian xem xét cấp GCNĐT. Nhiều hồ sơ dự án không có nội dung giải trình về công nghệ hoặc nếu có thì lại rất sơ sài, không đủ cơ sở để xem xét, có ý kiến cụ thể. Luật Đầu tư lại cho phép nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về nội dung công nghệ của dự án, như vậy đợi đến khi dự án đổ bể, thất bại rồi thì việc xử lý sẽ rất khó khăn. Một lý do nữa, từ khi thực hiện phân cấp mạnh về quản lý đầu tư, qua thực tế chúng tôi thấy tại địa phương rất ít cơ quan tham mưu cấp GCNĐT của tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) gửi hồ sơ dự án cho các sở KHCN để lấy ý kiến theo quy định. Đồng thời, với quy định thời gian thẩm tra là 15 ngày thì các sở KHCN cũng rất khó có thể có ý kiến đầy đủ về nội dung công nghệ, thiết bị của dự án nếu là dự án sử dụng công nghệ mới, phức tạp.
- Nguyên nhân chính của tình trạng này vì sao, thưa ông?
- Như đã nói ở trên, nguyên nhân đầu tiên là ta đã buông lỏng chức năng quản lý nhà nước, các quy định về thẩm định công nghệ chưa được coi trọng đúng mức, mà chỉ thực hiện hậu kiểm, có nghĩa là cứ để nhà đầu tư làm, sau đó ta kiểm tra thực hiện. Nhưng về mặt công nghệ thì phải từ các phương án, sơ đồ công nghệ người ta mới phân tích, lựa chọn máy móc, thiết bị. Như vậy, việc xem xét, lựa chọn công nghệ phải được làm từ khi chuẩn bị đầu tư, chứ nếu để đến khi đã đầu tư xong mới phát hiện ra có công đoạn nào không phù hợp thì lúc đó có thể phải thay đổi cả máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ… rất tốn kém. Một vấn đề nữa, theo các quy định hiện hành thì quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị lại thuộc chức năng của Bộ Công thương và thực hiện theo các quy định của Luật Thương mại, nghĩa là Bộ Công thương quản lý hoạt động mua bán hàng hóa, trong đó có mua bán máy móc, thiết bị là hàng hóa hữu hình. Bộ KHCN chỉ thống nhất quản lý nhà nước về công nghệ, trong đó có việc mua bán công nghệ (là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật) là hàng hóa vô hình.
- Như vậy là chính sách của chúng ta đang tạo ra lỗ hổng trong việc quản lý công nghệ, thưa ông?
- Đúng là có hiện tượng này, trong quá trình tổng kết 25 năm hoạt động FDI, chúng tôi cũng đã có đánh giá thực trạng hoạt động FDI thời gian qua về nội dung thu hút chuyển giao công nghệ và đã kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút có hiệu quả công nghệ nước ngoài thông qua FDI, trong đó giải pháp đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, coi trọng đúng mức công tác thẩm định công nghệ, thiết bị của các dự án đầu tư. Phải quy định tất cả các dự án đầu tư đều có nội dung giải trình công nghệ, thiết bị để xem xét, thẩm định trước khi cấp GCNĐT.
Cần phải có chính sách nhập công nghệ phù hợp
- Theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề rác thải công nghệ như thế nào?
- Đây là một bài toán mà các nước đang và chậm phát triển phải hết sức quan tâm. Đối với nhà đầu tư, khi công nghệ ở chính quốc đã được thương mại hóa và thu được lợi nhuận, thì họ lại có nhu cầu đổi mới công nghệ. Để có kinh phí đổi mới công nghệ, họ sẽ tìm cách chuyển giao công nghệ này sang các nước có trình độ công nghệ thấp hơn, nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, đối với các nước đi sau như Việt Nam cần phải có một chính sách nhập công nghệ phù hợp.
Thời gian qua, thông qua các đại diện ở nước ngoài, Bộ KHCN đã cảnh báo việc Trung Quốc đóng cửa 2.255 xí nghiệp trong 18 ngành, lĩnh vực có công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm ngừng nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ từ khu vực này. Thời gian tới, Bộ KHCN sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin về việc các nước khác loại bỏ các thiết bị, máy móc có công nghệ lạc hậu và báo cáo Thủ tướng để có giải pháp ngăn chặn.
- Vậy Bộ KHCN có trách nhiệm gì trong việc nhập khẩu thiết bị cũ, thưa ông?
- Từ năm 2003 trở về trước, chính sách để quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là khá chặt chẽ. Bộ KHCN (khi đó là Bộ KHCN và Môi trường) đã ban hành một số văn bản liên quan đến vấn đề nhập khẩu thiết bị cũ, trong đó nêu rõ các thiết bị đã qua sử dụng phải có chất lượng còn lại lớn hơn 80% so với nguyên thủy, phải bảo đảm các tiêu chí về an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường của Việt Nam... Các tiêu chí xác định thiết bị cũ được phép nhập khẩu tuy còn giản đơn, nhưng tại thời điểm đó đã thực sự góp phần ngăn chặn khá hiệu quả các loại máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng kém nhập khẩu vào nước ta.
Tuy nhiên, các văn bản này sau đó đã bị bãi bỏ. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23-1-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị được giao cho Bộ Công thương quản lý.
Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
- Trở lại vấn đề sử dụng công nghệ trong DN, có thực tế là 97% DN nước ta có quy mô vừa và nhỏ, rất khó khăn về vốn, ít có điều kiện đầu tư được công nghệ hiện đại. Trong khi đó, công nghệ hiện đại thường giá thành rất cao, mà nhập công nghệ kém sẽ mang nhiều hệ lụy không tốt, làm thế nào hỗ trợ họ giải bài toán này?
- Về vấn đề này, hiện nay Bộ KHCN đã được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai một số chương trình quốc gia, trong đó có Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia hướng tới hỗ trợ các DN sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, hỗ trợ DN trong việc đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ… Đồng thời, đã hình thành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhằm hỗ trợ các DN trong việc đầu tư đổi mới công nghệ theo các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.
- Vừa rồi, tại hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta thừa nhận thực tế là nhiều dự án FDI có trình độ công nghệ lạc hậu. Theo ông, nguyên nhân này xuất phát từ đâu?
- Phải nói là giai đoạn đầu mới mở cửa thu hút đầu tư, các nhà đầu tư thường tập trung đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, gia công, lắp ráp… để có thể thu hồi vốn đầu tư nhanh nhất, đồng thời khai thác lợi thế về nguồn nguyên vật liệu tại chỗ và nhân công rẻ. Do đó, ít có dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Đồng thời, cũng phải nhìn nhận rằng, ít nhà đầu tư lại đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới vì người ta lo lắng về vấn đề bản quyền. Khi đầu tư, người ta sẽ chỉ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mà đã thương mại hóa thành công ở nước sở tại, nếu có hoạt động nghiên cứu - phát triển thì cũng chỉ ở khâu cải tiến, thích nghi hóa với điều kiện ở nước tiếp nhận đầu tư. Một nguyên nhân nữa là họ chỉ chuyển giao công nghệ đã được khai thác, thương mại hóa ở quốc gia của mình để tối đa hóa lợi nhuận, lấy kinh phí tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ ở chính quốc. Muốn có các dự án có công nghệ cao, trình độ tiên tiến thì ta phải chuẩn bị tốt hạ tầng cho phát triển công nghệ, mà với vị thế ở một nước đi sau, thời gian qua ta chưa chuẩn bị tốt.
- Được biết, Bộ KHCN đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương rà soát lại danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu hoặc cấm nhập khẩu để bổ sung, sửa đổi Nghị định số 12 trong thời gian tới. Ngoài ra, trong hồ sơ dự án đầu tư sẽ bắt buộc phải có giải trình về công nghệ, thiết bị để cơ quan thẩm định đánh giá trình độ công nghệ đó ở giai đoạn nào, có lạc hậu hay không, rồi nguồn gốc xuất xứ của công nghệ, nơi sản xuất máy móc, thiết bị… Công việc này hiện đã tiến hành đến đâu, thưa ông?
- Hiện nay, theo tôi được biết Nghị định sửa đổi Nghị định số 12/2006/NĐ-CP đã được Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan soạn thảo và đang hoàn thiện để trình Chính phủ. Trong quá trình soạn thảo Nghị định sửa đổi 12/2006/NĐ-CP, Bộ KHCN đã tích cực phối hợp với Bộ Công thương và đã chuẩn bị sẵn sàng khi Nghị định sửa đổi được ban hành, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
- Cảm ơn ông về cuộc đối thoại!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.