Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nuôi dưỡng tài năng trẻ

Thùy An| 24/07/2016 07:06

(HNM) - U16 Việt Nam đã tạo nên “cơn sốt nhẹ” trong làng bóng đá Việt Nam khi tiến một mạch đến trận chung kết Giải Bóng đá U16 Đông Nam Á 2016. Nhưng đó chỉ là thành công bước đầu. Vấn đề được các nhà chuyên môn, người hâm mộ quan tâm hơn là cần sớm có kế hoạch dài hơi để nuôi dưỡng các tài năng trẻ

Một pha bóng trong trận chung kết giữa U16 Việt Nam (áo sẫm) và U16 Australia.Ảnh: Đức Đồng



Không tạo áp lực cho cầu thủ trẻ

Ít người chú ý đến U16 Việt Nam khi đội giành quyền tham dự Vòng chung kết Giải Bóng đá U16 Đông Nam Á 2016. Đơn giản vì U16 Việt Nam không có những kế hoạch truyền thông lớn. Thậm chí, trước ngày đội lên đường tham dự giải, cũng chỉ có ít thông tin về đội trên trang web của LĐBĐ Việt Nam (VFF) và một vài ấn phẩm báo chí. Lúc ấy, cũng chẳng ai chú ý đến cuộc gặp mặt của lãnh đạo VFF với đội tuyển. Ở đó, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng chỉ động viên cầu thủ thi đấu tự tin, giành kết quả tốt nhất theo từng trận và không đặt ra mục tiêu cụ thể. Đơn giản vì bảng đấu này quá “xương xẩu” với sự góp mặt của những đội Australia, Malaysia, Myanmar, Singapore. Lúc đó, HLV Đinh Thế Nam nói rằng, giải Đông Nam Á chỉ là cơ hội để các cầu thủ U16 Việt Nam tập dượt, chuẩn bị cho Vòng chung kết Giải U16 Châu Á 2016. Tuy thế, ông thầy người Hải Phòng này đã tự đặt mục tiêu đưa đội bóng vào chung kết... Chỉ đến khi đội bóng vào đến vòng bán kết sau hàng loạt trận thắng ấn tượng trước Malaysia, Australia, Myanmar thì giới truyền thông mới tính đến chuyện sang Campuchia để cập nhật thông tin về đội, phục vụ độc giả, người xem.

Không được chú ý có khi lại hay, bởi như vậy thầy trò U16 có thể chuyên tâm tập luyện. Và rõ ràng, việc lãnh đạo VFF không đặt mục tiêu khiến thầy trò HLV Đinh Thế Nam dễ thể hiện mình.

Tính đường dài

Ngay khi U16 Việt Nam giành quyền vào chung kết, đội bóng này đã được so sánh với lứa U16 Việt Nam của năm 2000 gồm Văn Quyến, Như Thuật, Minh Đức, Lâm Tấn, Ánh Cường… - những người từng giúp bóng đá Việt Nam gây tiếng vang ở Giải trẻ Châu Á năm 2000 (thắng 3-2 trước U16 Trung Quốc rồi vào tới bán kết giải đấu năm đó). Đa số là những lời khen, nhất là về sự toàn diện trong ý thức chiến thuật, thể hình và kỹ thuật cá nhân của lứa cầu thủ U16 “phiên bản 2016”. Sau chiến tích ở Giải U16 Châu Á cách đây 16 năm, rất ít cầu thủ U16 "phiên bản 2000" trở thành trụ cột ở CLB và đội tuyển quốc gia.

Kể ra để thấy chặng đường phía trước của lứa cầu thủ U16 Việt Nam hiện nay còn dài và đầy chông gai. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn từng nói rằng VFF sẽ đầu tư tối đa cho lứa cầu thủ này, từ chế độ dinh dưỡng, thi đấu quốc tế, HLV thể lực… để các em cáng đáng được nhiệm vụ tại SEA Games năm 2021. Nhưng, điều quan trọng hơn cả vẫn là quá trình phát triển của nhóm cầu thủ U16 Việt Nam hiện nay tại chính CLB. Nói vậy là bởi mục tiêu lớn nhất cho họ không chỉ là thi đấu ở các đội trẻ quốc gia, mà trở thành trụ cột ở CLB cũng như đội tuyển quốc gia - bộ mặt của nền bóng đá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nuôi dưỡng tài năng trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.