(HNM) - Hầu hết những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đều do sự bất cẩn của người lao động (NLĐ) do thiếu hiểu biết hoặc do coi thường các quy định về an toàn lao động (ATLĐ).
Ngoài ra còn do sự thiếu trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc đầu tư trang bị thiết bị bảo hộ lao động cho NLĐ. Không chỉ trong sản xuất mà hầu hết các lĩnh vực khác đều tiềm ẩn nguy cơ về mất ATLĐ. Sự mất an toàn không chỉ xảy ra đối với bản thân những người làm việc trực tiếp mà còn xảy ra cho những người liên quan.
Để hạn chế những vụ TNLĐ, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 22/2010/TT- BXD ban hành những quy định về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình có hiệu lực từ ngày 16-1-2011. Theo đó, NLĐ trên công trường có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không bảo đảm an toàn sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp mà vẫn không được giải quyết, hoặc nhà thầu không cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. NLĐ cũng chỉ được thực hiện những công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo; chấp hành đầy đủ các quy định, nội quy về ATLĐ có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ thì phải được huấn luyện ATLĐ và có thẻ ATLĐ theo quy định. Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có Bộ Xây dựng có những hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực chuyên ngành của mình. Đặc biệt, việc quy định cho phép NLĐ có quyền từ chối các công việc không bảo đảm ATLĐ là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo vệ NLĐ.
Cũng theo thông tư của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị có liên quan phải lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra thực tế các diễn biến trên công trường để điều chỉnh biện pháp thi công và ATLĐ cho phù hợp. Phải thành lập mạng lưới và bộ phận quản lý công tác ATLĐ trên công trường; quy định cụ thể công việc thực hiện và trách nhiệm đối với những cá nhân quản lý công tác ATLĐ trong quá trình thi công; tổ chức tập huấn và huấn luyện về an toàn cho đội ngũ làm công tác an toàn và NLĐ thuộc quyền quản lý. Khi có TNLĐ xảy ra, đơn vị phải báo cáo kịp thời với các cơ quan quản lý có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra để xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, TNLĐ.
Các quy định về vệ sinh, ATLĐ đã có. Song, nếu mỗi ngành, nhất là những ngành có nguy cơ cao về mất ATLĐ có một quy định riêng, cụ thể về ATLĐ như ngành xây dựng là việc nên làm. Nếu làm được mục tiêu hằng năm giảm 5% tần suất TNLĐ chết người; tăng 5% cơ sở, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; tăng 5% số người khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động; tăng thêm 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động và trên 40.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được huấn luyện… theo Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 mới có thể đạt được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.