Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những giải pháp mạnh

Huy Khôi| 17/06/2021 06:09

(HNNN) - Nuôi thú cưng, đặc biệt là chó cảnh là sở thích của nhiều người. Tuy nhiên, nếu chủ nuôi không có kiến thức cơ bản, hiểu và thực hiện đúng các quy định về chăm sóc, quản lý vật nuôi thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích, thậm chí là gây tử vong cho người khác cũng như bản thân. Cần phải thực hiện những biện pháp quản lý mạnh, đó là ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội:
Ðẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền

Thành phố Hà Nội không cấm nhưng cũng không khuyến khích việc nuôi chó, mèo, nhất là các giống chó to, hung dữ. Với những gia đình có người già, trẻ em, tốt nhất là không nuôi các giống có bản năng tấn công con người. Từ lâu, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, khuyến cáo để người dân có nhận thức đúng đắn về việc chăn nuôi thú cưng, đặc biệt là khi nuôi chó thì phải khai báo với chính quyền địa phương, đồng thời phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ cũng như nuôi nhốt đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, chính quyền cơ sở đã thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông. Tuy nhiên, do nhiều người thiếu ý thức và ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tiêm phòng hiện đang gặp khó khăn. Một số hộ nuôi chưa ý thức được rằng, khi nuôi chó thì phải khai báo với chính quyền địa phương cũng như thực hiện các quy định liên quan của pháp luật.

Hiện nay, nhằm thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, Hà Nội đang tập trung cao độ để xây dựng các quận thành Vùng chăn nuôi an toàn đối với bệnh dại. Thành phố đã xây dựng thành công Vùng chăn nuôi an toàn đối với bệnh dại của chó mèo trên địa bàn 4 quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Việc này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn có ý nghĩa thiết thực với việc xây dựng Thủ đô an toàn, thân thiện.

Để hướng tới một Thủ đô an toàn, đáng sống, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tuyên truyền, các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân chấp hành tốt các quy định về nuôi chó mèo.

Chúng tôi khuyến cáo người dân đã nuôi chó mèo phải thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương cũng như bắt buộc tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại. Khi đưa chó ra nơi công cộng, người dân phải xích, rọ mõm và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chó tấn công người.

Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Mức phạt còn thấp và chưa đủ sức răn đe

Trách nhiệm đối với chủ nuôi chó mèo đã được quy định rõ ràng tại Mục 2 Phụ lục 15 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn. Tuy nhiên, dù đã có quy định nhưng tôi nhận thấy việc nuôi chó mèo hiện nay hầu hết theo phương thức thả rông, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, xa đô thị. Chủ nuôi chưa có ý thức đăng ký nuôi chó theo quy định, chưa ý thức được việc nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm... Nhiều người chủ quan, chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng cho chó mèo, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc.

Mặt khác, hiện chưa có chế tài xử lý đối với các hộ không đăng ký nuôi chó, mà mới chỉ có quy định xử phạt hành vi không tiêm phòng dại cho chó hay thả rông chó ở nơi công cộng mà không có rọ mõm. Ngoài ra, việc thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của địa phương cũng còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định: Chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng, tuy nhiên, tôi cho rằng mức phạt này còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Anh Tạ Viết Thiều, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ):
Kiểm soát chặt chẽ, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi

Hiện có khoảng 1,1 nghìn con chó mèo được người dân nuôi rải rác ở trong 7 thôn của xã Hoàng Diệu. Kinh nghiệm của xã trong việc quản lý nuôi chó mèo cho thấy, quan trọng nhất vẫn là thực hiện tốt công tác tiêm phòng và đẩy mạnh tuyên truyền. Xã đã triển khai thường xuyên, đều đặn việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo (mỗi năm một lần) vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 từ nguồn hỗ trợ của thành phố. Ngoài ra, xã đã tích cực tuyên truyền Nghị định 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật để người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ rằng nuôi chó thì phải nhốt lại, nếu thả thì bắt buộc phải đeo rọ mõm.

Hằng năm, xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về bệnh dại một cách cụ thể, chi tiết. Các nội dung tuyên truyền đều được trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng, ngắn gọn để người dân có thể nắm bắt một cách dễ dàng nhất. Xã Hoàng Diệu còn gửi các văn bản, thông báo về các trưởng thôn để cùng tuyên truyền đến các hộ dân cũng như yêu cầu người dân ký cam kết thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 6/7 thôn (mỗi thôn 1 người) có thú y viên được hưởng chế độ phụ cấp 447 nghìn đồng/tháng để giúp Trưởng ban Thú y và Chăn nuôi xã trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định trong chăn nuôi, thú y đã được thành phố quy định. Họ đều là những người có trình độ từ sơ cấp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y trở lên và đều tâm huyết, trách nhiệm với nghề.

Tôi đánh giá rất cao đội ngũ này bởi việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài và chỉ có đội ngũ thú y viên sống trong mỗi làng, có quan hệ láng giềng gần gũi, thân tình với các hộ dân mới có thể làm được việc đó. Nhờ thế, mấy năm gần đây, trên địa bàn xã không có trường hợp bị chó cắn hay liên quan đến bệnh dại. Đường làng, ngõ xóm cũng đã sạch đẹp hơn vì không còn phân chó mèo thải bừa bãi như trước kia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những giải pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.