(HNM) - Để hàng Việt đến với người tiêu dùng cần bảo đảm một
Thời gian qua, nhiều DN sản xuất trong nước đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, coi chất lượng là tiêu chí hàng đầu; đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu mặt hàng được xác định phù hợp với từng phân khúc thị trường, liên tục thay đổi mẫu mã, bao bì tạo sự hấp dẫn và khác biệt trong sản phẩm. Đồng thời, tìm giải pháp tiết kiệm chi phí trong sản xuất để hàng hóa có giá thành hợp lý, thu hút người tiêu dùng. Từ đó có nhiều DN phát triển tốt thị trường nội địa, thậm chí lấn át được sản phẩm ngoại nhập, như các sản phẩm phích nước, bóng đèn, bánh kẹo, đồ nhựa, sản phẩm dệt may… Những DN này đều có chiến lược phát triển thị trường nội địa, đầu tư chiều sâu vào công nghệ sản xuất, nghiên cứu kỹ thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
Cần có nhiều giải pháp khả thi nhằm hỗ trợ hàng Việt đến với người tiêu dùng. Ảnh: Mai Vy |
6 tháng đầu năm nay, nhiều DN đã phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, chỉ những DN lớn có thương hiệu và tiềm lực mạnh mới phát triển tốt, dù mức tăng trưởng đã giảm khoảng 20% so với trước đây. Còn lại, hầu hết DN, nhất là các DN nhỏ và vừa không đầu tư mở rộng sản xuất. Kết quả khảo sát DN trên toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, điều đáng lo ngại nhất là lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm giảm sút, giá bình quân sản phẩm của nhiều DN cũng giảm. Vấn đề hàng tồn kho tiếp tục là mối lo ngại của DN trong giai đoạn này. Có gần 69,2% ý kiến DN cho rằng, vấn đề giải quyết đầu ra, khai thác thị trường vẫn là khó khăn lớn nhất trong 6 tháng qua. Nhiều nỗ lực của DN nhằm giải quyết tình trạng này vẫn phải tập trung vào các giải pháp như tìm thị trường xuất khẩu mới, giảm giá bán hàng hóa, thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mại…
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, tình hình kinh tế những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Ở hầu hết các kênh phân phối, hàng Việt đang bị lép vế trước các công ty đa quốc gia và nhãn hàng riêng. Thông tin 80-90% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt, nhưng thực chất là hàng do DN "nội" gia công cho các công ty đa quốc gia, hàng do công ty đa quốc gia sản xuất hoặc nhãn hàng riêng của siêu thị. Còn hàng Việt do các DN vừa và nhỏ sản xuất rất khó chen chân vào hệ thống siêu thị. Tại kênh phân phối hàng Việt ở chợ truyền thống cũng chưa phát huy được sức mạnh. Các công ty đa quốc gia vẫn chiếm ưu thế với vốn mạnh, nguồn nhân lực tốt, biết cách chăm sóc tiểu thương… Ngay cả ở nông thôn cũng chỉ có 10-15% người tiêu dùng dùng hàng Việt. Đặc biệt, hàng Trung Quốc nhái nhãn hiệu Việt được bày tràn lan ở thị trường nông thôn càng gây khó khăn cho hàng Việt. Ngoài nguyên nhân phần lớn DN Việt có quy mô vừa và nhỏ, vốn yếu, năng lực hạn chế… thì sự thiếu liên kết giữa các DN cũng làm suy giảm sức mạnh của hàng Việt tại thị trường trong nước. Ngoài ra, DN Việt chưa nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các địa phương trong việc đưa hàng về nông thôn.
Hiện "sức khỏe" của DN rất yếu, nếu không có chính sách dài hạn để hỗ trợ thì thời gian tới khi hàng hóa của các nước trong khối ASEAN hay các hiệp định thương mại được ký kết với các nước có hiệu lực với thuế suất bằng 0%, DN "nội" sẽ không kịp trở tay. Vì vậy, muốn hàng Việt đến được với người tiêu dùng trước hết phải bảo đảm một "sân chơi" công bằng để các nhà sản xuất trong nước có cơ hội tồn tại. Trong đó, các ngành chức năng cần có những chính sách nội địa hóa các sản phẩm mà hiện nay DN trong nước vẫn tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp. Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá để ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.