(HNM) - Theo các chuyên gia y tế, việc hiến tạng tạo cơ hội cứu sống nhiều người, thế nhưng những
Thiếu nguồn tạng, nhiều bệnh nhân tử vong
Theo Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia Trịnh Hồng Sơn, khi một người ra đi với ý nghĩa hiến tặng mô tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời và việc làm đó như câu chuyện cổ tích hiện đại.
Rất nhiều bệnh nhân đang chờ cơ hội được ghép thận. Ảnh: TTXVN |
Trước khi chương trình "Chung tay vì sự sống 2015" diễn ra vài ngày, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện cùng lúc 4 ca ghép tạng từ người cho chết não. Từ người hiến tặng, các bác sĩ đã thực hiện ghép cho 2 ca thận, 1 ca tim và 1 ca gan. Trong 4 ca ghép, phải kể đến người nhận tim là một bệnh nhân nam (44 tuổi, ở Hà Nội). Trước khi ghép tim, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Khi đưa lên bàn mổ, bệnh nhân phải dùng máy tim phổi nhân tạo trong hơn 2 giờ. Đây là trường hợp đầu tiên mà bệnh nhân ghép tim phải dùng tim, phổi nhân tạo trước khi ghép. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh và không phải dùng máy thở, các chức năng đã ổn định.
Theo Trung tâm Ghép tạng của BV Hữu nghị Việt - Đức, một cơ thể bị chết não có thể ghép cho khoảng 10 bệnh nhân. Hiện nay, cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, mô. Trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến còn hạn chế. Ngay tại BV Việt - Đức, trung bình mỗi ngày có 2-3 trường hợp chết não có thể cho tạng, tuy nhiên, trong 5 năm qua, BV mới chỉ xin được từ gần 30 trường hợp chết não.
Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh. Hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn tạng, nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian chờ ghép. Ông Trịnh Hồng Sơn dẫn chứng, có trường hợp xảy ra tại Hà Nội, người anh bị chết do tai nạn giao thông. Vợ con và gia đình đã đồng ý hiến thận của người anh cho người em trai. Thế nhưng, đến phút cuối cùng, khi tiến hành các thủ tục ghép, người em út trong gia đình lại không đồng ý. Kết quả, người em trai đã chết vì không có thận để ghép. "Nhận thức của người Việt Nam về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao, sự hiểu biết về chết não còn hạn chế, đặc biệt là quan niệm về cái chết toàn thây còn nặng nề. Chính vì vậy, cần có sự tuyên truyền tích cực, rộng rãi trong cộng đồng, xã hội", ông Trịnh Hồng Sơn nói.
Cần những tấm lòng nhân ái
Có mặt tại Học viện Quân y vào sáng 19-12, phóng viên Báo Hànộimới đã chứng kiến nhiều sinh viên ký vào đơn đăng ký hiến tạng, mô. Khi được hỏi, hầu hết sinh viên đều cho rằng, họ hạnh phúc vì sau khi chết đi được trao đi một phần cơ thể mình để cứu sống người khác.
Cù Thị Thu, sinh viên khóa 47, Học viện Quân y, nói rằng mình không mất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đặt bút ký vào đơn đăng ký bởi hiểu rằng sự sống với mỗi người thiêng liêng và cao quý nhất. Nếu không may mình không còn trên cõi đời này nữa mà một phần cơ thể mình được giữ lại thì đó là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, Cù Thị Thu cũng chia sẻ, bản thân nghĩ vậy nhưng chắc chắn cô sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục những người thân trong gia đình hiểu và thông cảm với quyết định này của mình…
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, hiện nay, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn, với khoảng 1.000 ca ghép thận, hơn 30 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, hơn 1.000 ca ghép giác mạc trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép là rất cao: Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người cần được ghép giác mạc.
Rất nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng. Điều cần làm lúc này là thay đổi nhận thức của cộng đồng. Khi nào mỗi người hiểu được rằng sự sống được trao đi, bao mảnh đời được ở lại thì kỹ thuật ghép tạng, mô mới thực sự thành công.
Từ năm 2006 đến 2013, số lượng người đăng ký hiến tạng còn hạn chế. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 2.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Riêng trong sáng 19-12, kết quả đăng ký trong ngày hội "Chung tay vì sự sống 2015" cho thấy đã có hơn 1.000 người cùng đăng ký hiến mô, tạng. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Trung tâm Ghép tạng của BV Hữu nghị Việt - Đức cho biết, trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân sống khỏe sau 5 năm ghép tạng lên tới 80-90%. Còn tại BV Việt - Đức, bệnh nhân đầu tiên được ghép gan từ năm 2007, hiện sức khỏe vẫn tốt và đang sống tại Anh cùng con. Bệnh nhân được ghép tim lâu nhất đã sống thêm được gần 5 năm, hiện sức khỏe ổn định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.