(HNM) - Đầu năm học mới là thời điểm đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác học sinh, sinh viên, trong đó đặc biệt là việc xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng để mỗi ngày đến trường với các em thực sự là một ngày vui.
Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" triển khai tại 20 trường phổ thông của Hà Nội hơn một năm qua được đánh giá là một trong những giải pháp thiết thực, phù hợp trong việc xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh (HS), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Kết quả khảo sát và quá trình triển khai thực tế cho thấy, HS, đặc biệt là HS nữ, thường trải nghiệm bạo lực về tinh thần nhiều hơn ở trường học, trong đó có những việc lặp lại khá thường xuyên như bị mắng, bị đe dọa… Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, mà còn gây hậu quả về tinh thần về lâu dài. Qua hơn một năm triển khai dự án, HS các nhà trường đã có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức về bình đẳng giới, được trang bị những kỹ năng cơ bản để phòng tránh, biết chia sẻ, tìm kiếm kênh trợ giúp khi đối mặt với nguy cơ bị bạo lực… Các nhà trường cũng đã tích cực hơn trong việc triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ các em khỏi các hình thức bạo lực.
Học sinh cần được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng. Ảnh: Tiến Tuấn |
Điều đáng nói nữa là, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, các thầy, cô giáo đã dành nhiều thời gian hơn để phụ huynh - giáo viên cùng chia sẻ những khó khăn, đề xuất giải pháp cùng phối hợp để chăm sóc, quản lý và kịp thời hỗ trợ HS khi cần thiết. Cô giáo Phạm Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ) cho biết, giáo viên của trường luôn coi trọng vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con, lắng nghe con để cùng giải quyết vấn đề bạo lực giới. Để có thêm cơ hội chia sẻ cùng các em, thầy, cô giáo đã động viên các bạn HS viết "Điều em muốn nói".
Cô Phạm Thị Anh Đào tâm sự, khi được đọc những lá thư này, cô đã thực sự xúc động. Lá thư của một bạn HS từng hay mắc lỗi, khiến bố mẹ, thầy cô phiền lòng đã viết thế này: "Bố mẹ ơi, con sẽ thay đổi, nhưng trước hết bố mẹ hãy thay đổi, con muốn được bố mẹ cùng lắng nghe, chia sẻ với những điều con đã, đang phải đối mặt. Đó có thể là khi con bất ngờ bị trêu ghẹo khi trên đường đến trường, khi bị bạn khác giới dọa nạt…". Khi những câu chuyện, những lời muốn nói của các bạn HS được chia sẻ, nhiều bậc phụ huynh đã bật khóc và không khỏi bất ngờ về những điều chia sẻ trong những bức thư. Nhiều phụ huynh đã hiểu hơn về những mong đợi của con em mình, từ đó điều chỉnh cách ứng xử trong các mối quan hệ để các con thấy tin tưởng, yên tâm phấn đấu tiến bộ.
HS lứa tuổi phổ thông rất nhạy cảm với những biến cố xảy ra. Thầy cô giáo không thể bao quát hết toàn bộ mọi hoạt động của các em, vì thế, cha mẹ là người có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và cùng con ứng phó với bạo lực giới. Điều ấy cho thấy sự cần thiết nhân rộng mô hình "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng", kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tạo môi trường để các con yên tâm học tập, tu dưỡng.
"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.