Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc với những cơ hội

Quỳnh Phạm| 08/05/2012 07:46

(HNM) - Đứng trước đòi hỏi về công tác đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội ngày càng gắt gao, việc thực tập của sinh viên cũng ngày càng được các bạn trẻ, nhà trường và đơn vị sử dụng lao động coi trọng.

Muôn kiểu thực tập

Phần lớn SV sau khi tốt nghiệp đều nhận xét, khoảng thời gian nhà trường dành cho SV đi thực tập, kiến tập là giai đoạn quan trọng của chương trình đào tạo, bởi nó giúp SV cọ sát với thực tế và tích lũy chút ít kinh nghiệm cho công việc sau này.

Sinh viên ngoại thương Việt Nam trong bộ đồng phục nhân viên hỗ trợ đặc biệt ở sân bay Changi, Singapore.


Tuy nhiên, không dễ dàng để có một kỳ thực tập hiệu quả, thậm chí chỉ là một chỗ thực tập, nhất là với những SV "thân cô, thế cô", không có sẵn mối quan hệ tốt với các đơn vị sử dụng lao động. SV học những ngành nghề hiếm, lạ thì vẫn phải trông chờ vào sự giới thiệu thông qua các mối quan hệ, hợp tác của giảng viên, khoa, nhà trường. Dù vậy, đôi khi, SV cũng gặp phải những tình huống trớ trêu, mất nhiều thời gian, công sức mà không thu lượm được gì có ích cho việc học hành. Có SV đã vỡ mộng, chán nản khi cho rằng mình phải làm công việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Việc hợp tác, thực hiện giao ước giữa nhà trường với đơn vị sử dụng lao động và SV lỏng lẻo dẫn tới quyền lợi của SV không được bảo đảm. Trong khi đó, để được thực tập, có khi SV còn phải nộp phí cho nhà trường, còn nhà trường cũng có thể phải trả tiền để DN chấp nhận SV vào thực tập.

Gặp nhiều khó khăn trong bước làm quen với công việc trong tương lai, song bản thân các SV cũng ý thức nhiều hơn về sự cần thiết của việc thực tập nên thường đầu tư nhiều thời gian, công sức thay vì chỉ đi chiếu lệ, cốt lấy báo cáo cho đủ thủ tục tốt nghiệp. Các nhà tuyển dụng cũng cho biết, những hồ sơ xin việc có kết quả thực tập ấn tượng được cộng điểm nhiều hơn, đặc biệt khi SV đã từng thực tập tại nước ngoài.

Hiểu đúng, chọn đúng

Dù còn ít được biết tới trước khi xuất hiện những phản ánh của SV Trường ĐH Ngoại thương vừa qua về công việc thực tập tại Singapore, việc đưa SV đi nước ngoài thực ra không phải quá xa lạ ở Việt Nam. Bên cạnh nước Mỹ, trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có nhiều công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kiểu này, trong đó có một số công ty hoạt động khá mạnh tại Việt Nam. Các SV đi thực tập kiểu này được hưởng lương khá cao.

Trong phản ánh của mình, một số SV Trường ĐH Ngoại thương bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng quyền lợi của mình không được bảo đảm như: điều kiện làm việc khắc nghiệt, bị phân biệt đối xử, bị chậm trả tiền hỗ trợ, đặc biệt là công việc không liên quan gì tới ngành đào tạo... Sau khi có những ý kiến này, Trường ĐH Ngoại thương đã can thiệp để đối tác thay đổi giờ giấc, ca kíp làm việc và trả tiền đúng hạn cho SV. Tuy nhiên, một số ý kiến của SV vẫn rất đáng được xem xét khi họ cho rằng hợp đồng giữa nhà trường với đối tác lỏng lẻo và gây thiệt thòi cho SV, nhà trường không nắm được tính chất công việc SV phải làm. Có người nêu ý kiến, không thể gọi đây là chương trình thực tập (intership - như trong hợp đồng ký kết), mà thực chất là làm việc và du lịch (work and travel).

Sự việc của Trường ĐH Ngoại thương đã thêm một lời cảnh báo khi thị trường du học đang có rất nhiều lời mời gọi hấp dẫn về các chương trình làm việc - du lịch hiện nay, như: hội nhập với môi trường quốc tế nhanh nhất, cơ hội du lịch và làm việc với bạn bè quốc tế với mức lương cao, trau dồi kỹ năng Anh ngữ, rèn luyện bản thân, ý chí, cách sống tự lập, giao lưu khám phá văn hóa các nước... Những lời mời này từ nhiều thị trường khác nhau, nhiều nhất là Mỹ và Singapore. Có công ty hiện đang quảng cáo về "cơ hội thực tập hưởng lương tại Singapore tới 27 triệu đồng/tháng" với lời khẳng định có nhiều công việc với mức lương hấp dẫn, ưu đãi giảm 50% học phí cho SV nào đăng ký tham gia chương trình bổ trợ tiếng Anh và chọn công việc cho tới hết ngày 12-5-2012.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, tình trạng có nhiều công ty tư vấn du học cùng tuyển sinh chương trình làm việc và du lịch, sau đó "bán" lại cho các đơn vị khác, dẫn tới cảnh "treo đầu dê bán thịt chó" khiến SV thiệt thòi.

Còn về các cơ hội làm việc, du lịch tại Mỹ, người có trách nhiệm của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam luôn khẳng định, không có quy định rằng một SV nên đăng ký với tổ chức tuyển dụng nào để tham dự chương trình làm việc và du lịch. Quan trọng nhất là các em SV cần tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt trước khi ký hợp đồng với công ty tuyển dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc với những cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.