Kinh tế

Cân nhắc việc cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành để tránh rủi ro

Đình Hiệp 13/05/2025 10:59

Sáng 13-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thảo luận về nội dung này.

t-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều ý kiến khác về phân phối lợi nhuận sau thuế

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 59 điều, giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc phân phối lợi nhuận sau thuế. Trong đó, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định theo hướng sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo kế hoạch được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao, phần lợi nhuận còn lại doanh nghiệp được sử dụng để xử lý các vấn đề phát sinh trước khi thực hiện trích lập quỹ và nộp ngân sách nhà nước.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, để xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh trước khi thực hiện trích lập quỹ và nộp ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng lợi nhuận sau thuế, sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có); bù đắp lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời xử lý các chi phí theo quy định của luật chuyên ngành; xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao nhưng không được quy định tại luật chuyên ngành, chi phí đổi mới sáng tạo, dự án đổi mới thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ; phần còn lại được trích lập các quỹ và nộp ngân sách nhà nước.

dai-bieu.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại hội trường sáng 13-5. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến nội dung này, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép để lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án mà không nộp về ngân sách nhà nước.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, để vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời xử lý các trường hợp cần bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp quan trọng, cần thiết và triển khai các dự án đầu tư quan trọng; giảm thủ tục hành chính khi tăng vốn hoặc đầu tư dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý quy định về phân phối lợi nhuận sau thuế tại khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật: “Lợi nhuận còn lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ”.

Đầu tư vốn của Nhà nước phải có trọng tâm, trọng điểm

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật, đặc biệt là việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

thu-ha.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Quan tâm đến phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đại biểu đồng tình với chỉ đạo rà soát, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi đầu tư, các điều kiện đầu tư vốn vào doanh nghiệp để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

dai-bieu-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại hội trường sáng 13-5. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến nguyên tắc huy động vốn, cho vay vốn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhất trí với quy định doanh nghiệp được quyết định cho công ty do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vay vốn, bảo đảm tổng giá trị các khoản cho vay đối với từng công ty không vượt quá giá trị vốn góp thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm cho vay.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), đối với những nơi có vốn nhà nước dù là 100% hay trên 50%, hay dưới 50% cũng là vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Vì thế, đầu tư vốn của Nhà nước phải có trọng tâm, trọng điểm, việc nào tư nhân làm được để cho tư nhân làm, việc nào tư nhân không làm được thì Nhà nước cần làm, phải làm phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh, nhu cầu thiết yếu, an sinh xã hội, công trình công cộng.

pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Về hoạt động đầu tư ngoài ngành, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán, đặc biệt với các tập đoàn lớn, như điện lực, dầu khí... bởi thực tế trong thời gian qua, một số doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ngoài ngành, gây rủi ro. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể các lĩnh vực được phép đầu tư ngoài ngành, tránh rủi ro và bảo đảm hiệu quả.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu toàn bộ hơn 80 lượt đại biểu phát biểu tại tổ trước đó và 17 phát biểu tại hội trường sáng nay.

Bộ trưởng cũng giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến phần vốn của Nhà nước góp vào doanh nghiệp, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, việc sử dụng vốn hiệu quả ra sao…

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc việc cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành để tránh rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.