Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên internet

Bảo Hân| 23/05/2019 10:50

(HNMO) - Phiên thảo luận tại hội trường sáng 23-5 về dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đã diễn ra sôi nổi với 18 đại biểu phát biểu tại hội trường, 9 đại biểu tranh luận.




Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận.


Cần làm rõ tác hại của rượu, bia

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) chia sẻ, cả nước hiện đang “nóng” lên vì tình trạng lái xe uống rượu, bia gây tai nạn, tổn hại sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì thế, việc Quốc hội thông qua dự án luật này sẽ được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần quan trọng vào việc chuyển biến nhận thức của người dân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình).


Góp ý vào vấn đề cụ thể, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, tác hại của rượu, bia là một nội dung rất quan trọng nhưng trong dự thảo luật lại được giải thích quá đơn giản. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ, nhấn mạnh theo hướng rượu, bia “gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế-xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật, tử vong của người Việt Nam; là nguyên nhân liên quan đến nạn rối loạn tâm thần, tai nạn giao thông, gây tổn thương tinh thần và tính mạng, cuộc sống của nhiều người…”.

Về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.

Trong phát biểu tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho biết, dự án luật chưa thể hiện được nội dung căn bản của việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là phải xây dựng văn hóa uống rượu, bia. Theo đại biểu, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, ý thức trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng và gia đình.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh).


Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để thay đổi nhận thức về văn hóa uống rượu, bia là cả quá trình, vì vậy, đại biểu thống nhất với quy định hạn chế quảng cáo rượu, bia, nhất là trong các hoạt động dành cho giới trẻ và đề nghị, các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống rượu, bia phải được quy định cụ thể.

Đại biểu cũng đề nghị có lộ trình bắt buộc về việc ghi nhãn phụ, logo cảnh báo ngay trên sản phẩm rượu, bia như: “Không lạm dụng rượu, bia”, “Uống rượu, bia có hại cho sức khỏe”...

Cũng theo nữ đại biểu này, các hành vi nghiêm cấm trong dự luật cần được quy định theo hướng mạnh mẽ và nhất quán hơn. Cụ thể, nên đưa Khoản 1, Điều 21: “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước, trong và khi tham giao giao thông” vào các khoản nghiêm cấm tại Điều 5.

Cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên internet

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên).


Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) bày tỏ bất ngờ khi dự án luật sau chỉnh lý đã không còn quy định về cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet, do nội dung này thực tế đã được quy định tại Nghị định số 132/2017 của Chính phủ. 

“Không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu, bia với trẻ em. Tôi đề nghị bổ sung việc cấm bán rượu, bia trên internet vào dự án luật”, đại biểu Hiền nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân(Đoàn Bình Dương) bày tỏ sự "thất vọng" khi các chế định được xem là “xương sống” của dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia như cấm quảng cáo bia; cấm bán rượu, bia trên internet; quy định về giờ cấm bán... đã bị đẩy ra ngoài bản dự thảo lần này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương).


Đại biểu cũng lo ngại về việc bỏ quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet trong dự án luật, trong khi đối tượng tiếp cận mạng ngày trẻ hóa.

“Báo cáo giải trình đề cập là cân nhắc quy định này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển, mà quên mất nguy cơ tác hại đến trẻ em - đối tượng yếu thế trong xã hội”, đại biểu nêu quan điểm.

Về nội dung này, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử...; một số ý kiến khác đề nghị hạn chế bằng cách quy định điều kiện như về độ tuổi được mua, nhất là đối với độ tuổi vị thành niên. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự án luật đã bỏ quy định này tại Điều 5 và quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử tại Điều 16 của dự án luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng cả nội dung và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện bản dự thảo, giải trình trước Quốc hội một lần nữa trước khi Quốc hội xem xét, cân nhắc, quyết nghị thông qua dự án luật này tại kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật phát biểu tiếp thu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm định đã tiếp thu gần như toàn bộ ý kiến các đại biểu tại các phiên họp trước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp 33 vừa qua để bổ sung, chỉnh lý dự án luật trình Quốc hội.

Theo đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu trên bình diện bảo vệ không chỉ sức khỏe của nhân dân, kiềm chế tai nạn giao thông, bạo lực xã hội, gia đình do bia, rượu gây ra, mà còn bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia và sản xuất rượu thủ công có lộ trình thích ứng; đồng thời, có giải pháp xử lý hành chính nghiêm khắc hơn với các hành vi lạm dụng rượu, bia, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên internet

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.