Cả hai phương án đề nghị điều chỉnh của Bộ GTVT đều còn nhiều bất cập *Chưa thể tổng hợp ý kiến để báo cáo thành phố trong ngày 25-10
Điều chỉnh giờ học, làm việc chỉ là một trong những giải pháp có thể góp phần làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Vẫn còn tranh cãi
Theo Bộ GTVT, Hà Nội có khoảng 350 nghìn học sinh mầm non, 500 nghìn học sinh tiểu học, hơn 320 nghìn học sinh trung học. Các trường đại học, cao đẳng ở nội thành góp gần 479 nghìn sinh viên, tập trung ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng. Ngoài ra, thành phố còn có khoảng 350 nghìn cán bộ, công chức. Đây là những đối tượng đáng quan tâm trong việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Công Bằng cho biết, Bộ GTVT kiến nghị hai phương án giờ học đối với sinh viên. Cụ thể, ở phương án 1, sinh viên các trường ở quận Cầu Giấy sẽ học từ 6h và từ 12h; các trường ở Đống Đa học từ 7h và 13h; các trường ở Thanh Xuân học từ 6h và từ 12h; các trường ở Hai Bà Trưng học từ 7h và 13h. Phương án 2, sinh viên các trường ở Cầu Giấy học từ 7h và 13h; các trường ở Đống Đa học từ 8h và 14h; các trường ở Thanh Xuân học từ 7h và 13h; các trường ở Hai Bà Trưng học từ 8h và 14h. Cán bộ, công chức cơ quan TƯ làm việc từ 9h đến 12h và từ 13h đến 18h; cán bộ, công chức Hà Nội làm từ 8h30 đến 12h và 13h đến 17h30; học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học từ 8h và kết thúc lúc 17h30, trong khi học sinh trung học sẽ học từ 7h đến 11h và từ 12h30 đến 16h30; trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30 đến 23h30. So với dự thảo ban đầu, điểm khác duy nhất chỉ là phương án giờ học dành cho sinh viên. Theo ông Bằng, đề xuất trên hoàn toàn dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên ngoài cuộc họp, ông Bằng cho biết, đến ngày 25-10, vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức của Bộ Giáo dục - Đào tạo về vấn đề này. Và, tại cuộc họp, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Hoàng Thế Tùng cho rằng, sinh viên học từ 6h sáng là sớm, thời gian nghỉ trưa ngắn, học chiều ngay là chưa hợp lý. Và ông này thiên về phương án 2 đồng thời kiến nghị khi đưa ra phương án điều chỉnh giờ làm việc sẽ phải điều chỉnh, bố trí tần suất xe buýt hợp lý cho sinh viên.
Đau đầu bài toán đưa, đón con
Nếu như giờ học của học sinh trung học, sinh viên không đáng ngại thì việc đưa, đón học sinh mầm non, tiểu học là vấn đề hết sức nóng. Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần tính toán thời gian làm việc của nhóm công chức tương thích với học sinh mầm non, tiểu học. Đây thực sự là vấn đề đáng nghiên cứu kỹ lưỡng bởi phần lớn học sinh mầm non, tiểu học ở thành phố hiện nay vẫn do bố, mẹ đưa đón hằng ngày. Nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng công chức làm muộn vẫn phải dậy sớm đưa con đi học hoặc phát sinh hiện tượng các trường phải giữ thêm giờ để học sinh chờ… bố, mẹ. Phó Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT) Nguyễn Trí Dũng cho biết, học sinh đi học trái tuyến không phải là nhân tố gây tắc đường. Tuy nhiên, thành phố đang có khoảng 10% học sinh trái tuyến, chủ yếu ở các quận nội thành. Theo ông Dũng, giờ chênh giữa các cấp học cần cách nhau khoảng 1 tiếng, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng ra đường lại gặp nhau, tắc hoàn tắc.
Để đưa ra quyết định chính xác, theo các chuyên gia cần khảo sát nghiêm túc, chính xác về lượng học sinh tham gia giao thông hằng ngày, số học trái tuyến… Trưởng phòng Quản lý các sở, ngành (Sở Nội vụ) Nguyễn Ngọc Việt lại bày tỏ lo lắng vì còn nhiều đối tượng chưa được xem xét, điều chỉnh giờ học, giờ làm việc như lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các cơ quan, đoàn thể…
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, hạ tầng giao thông đô thị yếu kém, kinh tế phát triển nhanh dẫn đến ùn tắc. Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm là cần thiết để góp phần giảm ùn tắc giao thông, nhưng đây chỉ là một trong số những giải pháp sẽ thực hiện. Theo ông Hùng, quyết định đưa ra sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người, do vậy cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình áp dụng phù hợp. Nhóm đối tượng độc lập về chuyện đi lại, ít bị ảnh hưởng như trung tâm thương mại, dịch vụ, sinh viên sẽ điều chỉnh trước. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phải điều tra xã hội kỹ lưỡng để lên phương án cụ thể, tập trung vào các trường ở nội đô.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, đại diện mỗi sở, ngành về báo cáo lãnh đạo và sớm có văn bản trả lời chính thức về vấn đề này, tạo điều kiện cho Sở GTVT hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao. Sở GTVT sẽ nhận lỗi với UBND thành phố vì không kịp lấy, tổng hợp ý kiến các sở, ngành trước 25-10, do ngày 22-10 mới nhận được văn bản của UBND thành phố, ngày 24-10 mới phát giấy mời họp. Đáng tiếc là tại cuộc họp, phần lớn các sở, ngành thành phố chỉ cử cấp trưởng, phó phòng, chuyên viên tới dự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.