Công nghệ

Cần nghiên cứu đồng bộ trong xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

Thu Hằng 22/11/2023 - 12:07

Ngày 22-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học góp ý vào “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ”.

3.jpg
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nêu rõ: Luật Khoa học và công nghệ được ban hành 2013 có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và phát triển nhân lực khoa học… đóng góp vào thành tựu chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Gần đây, Đảng đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ cần được thể chế hóa; đồng thời qua thực tiễn thi hành cho thấy, Luật còn một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là thiếu phần “đổi mới sáng tạo” nên cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

6a.jpg
PGS.TS Doãn Minh Tâm tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải nhận xét, dự thảo Đề cương chi tiết sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ về cơ bản đã chỉ ra được sự cần thiết, mục đích, nội dung và các giải pháp của 6 chính sách lớn về khoa học và công nghệ cần được thể chế hóa chi tiết.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, cần xem xét bổ sung chính sách về quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ để định hướng chiến lược các giai đoạn phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ mới, nhằm khắc phục tình trạng trì trệ đang diễn ra ở một số khâu. Đồng thời, việc đồng bộ triển khai xây dựng các chính sách lớn về khoa học và công nghệ để đưa vào Luật hóa là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, cần có thêm thông tin về những khâu đang có sự trì trệ để có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, tập trung ở các chính sách về quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ.

7a.jpg
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm trình bày tham luận.

Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự thảo Đề cương chi tiết sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ đã nêu sửa đổi 50/81 điều của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, về cơ bản là hợp lý, song còn thiếu hoặc chưa đủ quy định cụ thể về một số nội dung, nhất là hội nhập, đổi mới sáng tạo, khai thác sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ... Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu cơ cấu lại chương mục của Luật để phù hợp với 6 chính sách đề cập trong tờ trình.

Theo kế hoạch, còn hơn 1,5 năm mới trình Quốc hội xin ý kiến và còn 2 năm mới trình thông qua, do vậy còn đủ thời gian để nghiên cứu đồng bộ hơn trong xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi, bổ sung).

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm hy vọng Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ có nhiều đột phá đổi mới để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội như định hướng đã nêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiên cứu đồng bộ trong xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.