Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nâng cao cả nhận thức và ý thức

Nguyễn Đình Ấm| 07/05/2011 08:02

(HNM) - Sự ồn ào quanh chuyện huấn luyện viên (HLV) Taekwondo Lê Minh Khương


Mặc dù vẫn là một nước nghèo, nhưng Việt Nam có thể tự hào là đã có ngành HK phát triển nhanh và vững chắc. Thời gian qua, các loại hình giao thông khác còn gặp không ít khó khăn, tai nạn xảy ra nhiều, nhưng GTHK vẫn an toàn đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội. Riêng Hãng HK quốc gia (VNA) đã khai thác mạng nội địa lên 35 đường bay đến hầu hết các tỉnh, thành phố, phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.


Du khách quốc tế tới Việt Nam qua Hãng hàng không Vietnam Airlines. Ảnh: Nhật Nam


Theo thống kê của các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vasco, Jestar Pacific, Mekong Airlines), thì hầu như không có ngày, tuần, tháng nào không có sự cố ảnh hưởng tới an ninh, an toàn (ANAT) hàng không. Từ sự thiếu văn hóa của hành khách như đùa cợt, chòng ghẹo, chửi rủa, xúc phạm tiếp viên; nói to, gọi nhau í ới trong khoang máy bay, đến việc không tuân thủ quy định an toàn như sử dụng điện thoại trên máy bay, không thắt dây an toàn khi máy bay cất - hạ cánh, nghịch ngợm trang thiết bị, hút thuốc lá, bấm nút mở cửa thoát hiểm… Nghiêm trọng hơn là các trường hợp gây rối, chửi bới, hành hung nhân viên HK khi bị nhắc nhở, "nói đùa" có mang bom, lựu đạn lên máy bay… Gần đây nhất là chuyện lùm xùm giữa khách hàng là HLV Taekwondo Lê Minh Khương với tiếp viên hàng không trên chuyến bay VN1169 Hà Nội - TP Hồ Chí Minh ngày 18-4-2011. Trong vụ này, dù sai phạm thuộc về ai thì để cơ quan chức năng xác định. Nhưng cũng rõ một thực tế là lề lối ứng xử, tác phong phục vụ của cả hành khách và nhân viên Hàng không Việt Nam vẫn chưa ở "trình" quốc tế dù GTHK Việt Nam đã cơ bản theo chuẩn mực thế giới.

Việc bảo đảm ANATHK đòi hỏi sử dụng những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và thận trọng trong quản lý, điều hành cần có những quy định ngặt nghèo đối với hành khách. Đặc biệt, từ sau vụ khủng bố 11-9-2001, những quy định mới về ANAT liên tục được ICAO và các quốc gia thành viên ban hành, cập nhật. Chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo của cộng đồng quốc tế về ANATHK tại Việt Nam, trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Nghị định 91, Nghị định 60/2010, Nghị định 81/2010, các chương trình ANHK quốc gia… được Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HKVN phê duyệt. Nhiều hành vi tưởng chừng vô hại như đã nói ở trên lại có thể trở thành "trọng tội", đặc biệt là hành vi không tuân thủ quy định của ngành HKVN, của Bộ GTVT, hướng dẫn của phi hành đoàn, làm mất trật tự, nói đùa có bom, mìn, vũ khí, say rượu quậy phá, hành hung trên máy bay, khu vực nhà ga, khu vực hạn chế... Những hành vi khác thường trên máy bay đều phải xử lý theo quy định ANHK quốc gia, nặng thì bị truy cứu hình sự, nhẹ thì đình chỉ bay, phạt hành chính đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo mức thiệt hại. Tuy nhiên, việc liên tục xảy ra các vụ hành khách không tuân thủ quy định của HKVN khi đi máy bay và những gì xảy ra trên những chuyến bay, nhất là các chuyến nội địa thời gian qua đã cho thấy một bộ phận khách chưa có đủ hiểu biết cần thiết về ANATHK. Bên cạnh đó, chế tài đối với hành vi vi phạm ANATHK ở Việt Nam còn khá nhẹ so với thế giới. Đây là một trong những trở ngại không nhỏ trong việc phát triển GTHK ở Việt Nam.

Để hạn chế các sự cố trên máy bay, một mặt nhân viên các hãng HK phải hết sức kiên trì, khéo léo xử lý tình huống, áp dụng các điều luật về ANAT trong các phòng vé, phòng chờ và trực tiếp nhắc nhở khi khách làm thủ tục bay... Mặt khác, toàn xã hội phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về GTHK, ANATHK để mọi người hiểu được rằng: Tất cả những quy định ngặt nghèo khi đi máy bay chính là vì sự an toàn của hành khách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng cao cả nhận thức và ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.