(HNM) - Không chỉ là vựa lúa, cây ăn trái của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản và du lịch...
Khai thác thế mạnh
Khi nói về vùng ĐBSCL, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ tự hào khẳng định, đây là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu của vùng Đông Nam Á và thế giới. Diện tích tự nhiên 39.763km2, được hình thành bởi sự bồi tụ phù sa của các con sông nên đây là vùng sản xuất lương thực trọng điểm có tính quyết định đối với đất nước. Không chỉ vậy, nơi đây còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, nhất là nuôi trồng thủy hải sản ven biển và trên sông.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng. |
Quả thực, có đi hết 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL mới cảm nhận được phần nào về sự trù phù, màu mỡ, phì nhiêu của vùng đất này. Nếu như thành phố Cần Thơ - một trong 4 tỉnh, thành phố (cùng với tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) được xác định là vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đóng vai trò cửa ngõ, cầu nối với khu vực, quốc tế thì các tỉnh như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đang tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng để hội nhập, phát triển.
Một trong những hướng phát triển được nhiều tỉnh lựa chọn là phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Trong đó, Cà Mau dẫn đầu với diện tích nuôi trồng thủy sản gần 300.000ha, riêng diện tích nuôi tôm lên tới hơn 266.000ha. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải (nguyên Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển) dẫn chúng tôi đi tham quan địa danh này bằng chiếc canô khá mới. Do ba mặt giáp biển Đông (chiều dài bờ biển tới 98km), địa hình lại thấp, trũng, mạng lưới sông rạch chằng chịt nên cả huyện chỉ 3 xã có tuyến đường bộ, còn lại hầu hết người dân tham gia giao thông bằng đường thủy. Ông Khải khoát tay chỉ dãy nhà dân nằm giáp ranh huyện Năm Căn: "Nhà báo thấy không, nhà nào ít cũng có 1 chiếc thuyền, nhiều là 2-3, mỗi chiếc trị giá tới 5 triệu đồng đấy. Nó được ví như chiếc xe máy của người trên bộ vậy. Tất tần tật hoạt động từ giao lưu, học hành, chợ búa, thăm bà con hàng xóm đến vận chuyển tôm sau khi thu hoạch về các nhà máy chế biến, cung cấp cho thương lái... đều nhờ những chiếc thuyền này. Vì thế, nó được coi là gia sản quý giá của mỗi gia đình ở đây".
Sông nước, kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để Ngọc Hiển mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và hiện chiếm gần 1/10 diện tích của toàn tỉnh. Ông Dương Huỳnh Khải nói với chúng tôi, những năm gần đây, bà con đã tiếp cận và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, từng bước chuyển đổi hình thức sản xuất từ nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi tôm quảng canh cải tiến. Vùng này cũng đã xuất hiện mô hình nuôi tôm sinh thái với năng suất bình quân 350 - 500kg/ha/năm, cho thu nhập cao gấp nhiều lần nuôi tôm quảng canh truyền thống. Ông Dương Huỳnh Khải cho biết thêm, không chỉ Ngọc Hiển phát triển nghề nuôi tôm quy mô lớn mà cả tỉnh Cà Mau giờ đã có 8.200ha nuôi tôm công nghiệp và hơn 60.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến. Hai mô hình này cho sản lượng và thu nhập rất cao. Trên địa bàn tỉnh có 40 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, tổng công suất gần 208.000 tấn/năm, giúp chủ động trong giải quyết đầu ra cho người nuôi tôm. Con tôm và thủy đặc sản của Cà Mau hôm nay đã có mặt ở 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, mang lại kim ngạch hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Và, như quả quyết của ông Dương Huỳnh Khải, con tôm chính là nguồn lực chủ yếu giúp Cà Mau giảm 1,7% hộ nghèo mỗi năm (hiện toàn tỉnh còn 4,79% hộ nghèo).
Từng bước tự chủ
Sau Cà Mau là tỉnh Bạc Liêu với 226 nghìn héc ta nuôi tôm, trong đó có 15.000ha nuôi công nghiệp, bán công nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết, tỉnh chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp và hộ nuôi trồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản. Từ đây, đã hình thành một số mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao, nâng tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản lên gần 280 nghìn tấn/năm, trong đó sản lượng tôm là gần 76 nghìn tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh này đạt 400 triệu USD năm 2013 và năm nay ước đạt kim ngạch 407 triệu USD.
Chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư trên địa bàn. Để minh chứng cho thành quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Hải Nguyên, có quy mô 10ha mặt nước, cho năng suất bình quân từ 150 đến 200 tấn/ha/năm. "Đây là mô hình chúng tôi sẽ được nghiên cứu, nhân rộng để từng bước thay thế mô hình nuôi nhỏ lẻ, thủ công, tiềm ẩn nhiều rủi ro" - ông Dũng cho biết. Không chỉ nuôi tôm xuất khẩu, tại tỉnh này đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm giống mà Tập đoàn Việt - Úc (100% vốn nước ngoài) là doanh nghiệp tiêu biểu, giúp cho vùng ĐBSCL hoàn toàn có thể tự chủ về nguồn giống trong tương lai. Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc, ngoài tỉnh Bạc Liêu, tập đoàn đang đầu tư triển khai 7 điểm sản xuất tôm giống ở các tỉnh ĐBSCL. Dự kiến năm 2015, các điểm sản xuất sẽ đi vào hoạt động, cung cấp khoảng 40 tỷ con giống chất lượng cao (đáp ứng 40% nhu cầu cả nước) - yếu tố căn bản quyết định tới triển vọng của ngành nuôi tôm. Tham vọng của Việt - Úc là "Nâng tầm con tôm Việt". Với những gì hiện có, Việt - Úc và các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đưa Việt Nam lên vị trí 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Đa dạng sản phẩm
Điểm nhấn đặc biệt của vùng ĐBSCL chính là du lịch. Có thể điểm qua những sản phẩm rất đặc trưng mà cả vùng đang nỗ lực xây dựng như, tại cụm trung tâm (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang) sẽ phát triển du lịch sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) sẽ phát triển loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái gắn với lễ hội và tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer. Cụm duyên hải phía Đông (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh) phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp) phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước.
Hiện tại, thế mạnh của từng địa phương đang từng bước được khai thác. Trong đó, thành phố Cần Thơ, với những sản phẩm đặc trưng như du lịch sông nước, miệt vườn đã hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Theo Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung, Cần Thơ hiện đã kết nối các chuyến du lịch - tuyến thời gian với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, kể từ khi có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (năm 2009), lượng khách tăng bình quân 5,2%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2014 dự kiến khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng 6 lần so với năm 2004. Ngoài Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL đã tăng cường xúc tiến quảng bá thế mạnh về du lịch, trong đó TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai đối tác chiến lược để mở rộng tour - tuyến, thu hút đầu tư về hạ tầng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến thế mạnh của vùng ĐBSCL chưa được khai thác triệt để, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguyên nhân căn bản được cho là do thiếu tính liên kết của toàn vùng và thiếu một "nhạc trưởng" để khơi dậy nguồn lực nội sinh của từng địa phương, tạo nên sức mạnh cho vùng đất Chín rồng này.
(còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.