Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần một cơ chế “mở”

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 12/03/2012 07:07

(HNM) - Dự án xây dựng tuyến đường 422B (từ xã Sơn Đồng đến xã Vân Canh), thuộc địa bàn huyện Hoài Đức được khởi công từ năm 2008, song đến nay vẫn trong tình trạng

Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 2740/QĐ-UBND, thu hồi hơn 13.000m2 đất ở, đất nông nghiệp thuộc địa bàn các xã: Kim Chung, Di Trạch, Vân Canh, chuyển mục đích thành đất giao thông, giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư huyện Hoài Đức thực hiện. Tuyến đường 422B qua địa bàn xã Vân Canh dài 1,4km, liên quan đến đất phải GPMB của 103 hộ dân. Phần lớn, đất của các hộ đều là đất thổ cư, diện tích lớn và có nhiều cặp vợ chồng sinh sống trên cùng một thửa. Hiện tại có 40 hộ dân của xã Vân Canh thuộc diện phải GPMB, với diện tích 1.694,33m2 vẫn chưa nhận tiền BTHT-GPMB, trong đó có 7 hộ đủ điều kiện nhận đất tái định cư (TĐC), 33 hộ chỉ được nhận tiền BTHT. Do không giải phóng được mặt bằng, nên tuyến đường 422B vẫn còn khoảng 700m thi công dang dở, thuộc địa bàn xã Vân Canh, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Đường 422B, đoạn qua thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh vẫn trong tình trạng dở dang.


Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, ngày 29-12-2009, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 124/2009/QĐ-UBND, áp dụng giá BTHT-GPMB cho dự án là 6.600.000đồng/m2, nhưng người dân không đồng tình và đề nghị được hưởng chế độ bồi thường theo hình thức đất trả đất. UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức họp dân và các ban, ngành, đoàn thể để thống nhất quan điểm. Ngày 11-10-2010, UBND huyện Hoài Đức có Tờ trình số 70/TT-UBND gửi UBND thành phố Hà Nội, xin điều chỉnh giá đất BTHT-GPMB và đã được UBND thành phố chấp thuận.

Theo đó, giá đất làm cơ sở để tính BTHT được điều chỉnh tăng thêm 40%, với giá 9.240.000đ/m2. Để tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất, UBND thành phố còn đồng ý hỗ trợ thêm 20% giá đất ở cho các hộ bị thu hồi mà không được giao đất TĐC. Thế nhưng, người dân cho rằng, mức giá đó vẫn chưa hợp lý. Ông Lê Danh Tuyên, thôn Hậu Ái nêu bất cập: Nếu tính tất cả các khoản, mức BTHT mỗi mét vuông chỉ có hơn 11 triệu đồng. Với mức BTHT như vậy, mua một suất đất ở trong làng còn khó, chứ chưa dám nói đến việc mua một suất đất có diện tích, vị trí tương đồng vị trí đã bị thu hồi.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Vân Canh hiện còn 13 hộ có diện tích thu hồi trên 20m2, nhưng phần đất còn lại ngoài chỉ giới GPMB (bao gồm cả hành lang an toàn giao thông) lớn hơn 180m2 (là hạn mức giao đất tối đa tại địa phương), nên theo quy định các hộ chỉ được nhận tiền bồi thường, không đủ điều kiện nhận đất TĐC. Tuy  nhiên, theo quy hoạch thì tuyến đường 422B sẽ tiếp tục được mở rộng, nếu trừ diện tích hành lang an toàn đường bộ, thì diện tích còn lại của các hộ sau thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất tại địa phương. Hơn nữa, phần lớn các thửa đất này, trên giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đều đứng tên một hộ, song thực tế đều đang có nhiều cặp vợ chồng sinh sống, nếu không được TĐC thì sẽ có những thiệt thòi nhất định cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Khanh, thôn Hậu Ái băn khoăn: Gia đình tôi hiện có 3 hộ, 9 nhân khẩu sống trên diện tích gần 362m2. Chúng tôi bị thu hồi 67,7m2 và không được TĐC. Đây là đất tổ tiên để lại, chúng tôi phải gìn giữ mới bảo toàn được diện tích đến ngày hôm nay. So với những người trước kia cũng có diện tích lớn, đã chuyển nhượng nhiều lần, nay họ bị thu hồi diện tích cũng như chúng tôi, nhưng vì phần đất còn lại ít, nên họ vẫn được đất TĐC, thì chúng tôi bị "mất" quá nhiều. Nếu địa phương không có quỹ đất, chúng tôi đành phải chấp nhận, song với dự án này địa phương vẫn dành quỹ đất TĐC, vì vậy đề nghị thành phố xem xét, có cơ chế đặc thù cho người bị thu hồi đất ở xã Vân Canh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Hoài Đức cho biết: UBND huyện đã nhiều lần họp bàn và đề xuất với các sở, ban, ngành về cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi tối đa cho người bị thu hồi đất. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đề xuất với thành phố xem xét BTHT cho những hộ bị thu hồi diện tích trên 20m2, sau khi trừ diện tích của hành lang an toàn giao thông, mà diện tích còn lại nhỏ hơn 180 thì sẽ được TĐC. Đối với những hộ bị thu hồi nhiều, diện tích đất còn lại lớn hơn 180m2, nhưng có nhiều cặp vợ chồng sinh sống trên một thửa đất cũng cần được cân nhắc thỏa đáng…

Từ thực tế nêu trên cho thấy, dự án này đang rất cần một cơ chế "mở", để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình GPMB, sớm hoàn thiện tuyến đường, ổn định tình hình địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần một cơ chế “mở”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.