Góc nhìn

Cần minh bạch thông tin thị trường vàng

Gia Khánh 24/03/2024 - 06:43

Diễn biến thị trường vàng với xu hướng tăng giá là chính trong thời gian qua khiến không ít người sốt ruột.

Các mốc giá kỷ lục liên tiếp xuất hiện, song cũng có không ít ngày giá vàng trong nước diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới. Đáng chú ý, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới luôn giữ ở mức khá cao và khi thị trường biến động; chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng được nới rộng.

Diễn biến của thị trường vàng được lý giải bởi một số nguyên nhân chính. Những xung đột khu vực, bất ổn kinh tế thế giới thúc đẩy nhu cầu vàng, khiến giá vàng thế giới tăng, từ đó, giá vàng trong nước tăng theo. Do độc quyền vàng miếng SJC, nguồn cung vàng trong nước hạn chế nên giá vàng trong nước tăng nhanh, cao hơn giá vàng thế giới. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng để chênh lệch giá mua vào, bán ra cao nhằm bảo đảm an toàn trước biến động của giá vàng.

Song cũng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, như giá vàng biến động mạnh có tác động đến nền kinh tế? Liệu chính sách độc quyền vàng miếng SJC có còn phù hợp? Hiệu quả chống vàng hóa nền kinh tế đến đâu?... Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với thị trường vàng. Chỉ khi trả lời được những câu hỏi trên mới có thể đưa ra được cách tiếp cận phù hợp trong xây dựng chính sách quản lý thị trường vàng, vừa chống vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đưa thị trường đi đúng hướng, tránh những diễn biến “giật cục”, bất thường, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.

Thực tế, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20-3-2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, trong đó có việc giao cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và các chủ thể tham gia thị trường; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách để đẩy giá…, giá vàng miếng SJC đã “hạ nhiệt”. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng thu hẹp lại.

Việc giá vàng “hạ nhiệt” sau mỗi lần Thủ tướng Chính phủ hay cơ quan chức năng có văn bản chỉ đạo về quản lý thị trường vàng cho thấy, thị trường rất nhạy với thông tin chính sách.

Nói cách khác, minh bạch thông tin chính sách (quản lý, điều hành), thông tin thị trường là một trong những giải pháp bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, tránh tâm lý hoang mang có thể gây ra những bất lợi. Từ trước đến nay, qua báo chí và các diễn đàn, có thể thấy nhiều ý kiến đánh giá về thị trường vàng, kiến nghị giải pháp quản lý, nhận định xu hướng…, song chủ yếu của chuyên gia, hay chính doanh nghiệp kinh doanh vàng, nên thiếu sự thống nhất và phần nào là cả sự tin cậy. Trước rất nhiều thông tin như vậy, thị trường khó tránh khỏi những tác động tâm lý.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 23/CĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành. Tính từ tháng 6-2023 đến nay, Chính phủ có 9 văn bản đôn đốc, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan quản lý, giám sát thị trường vàng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cố gắng nhưng việc báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ để có phản ứng chính sách phù hợp với diễn biến thực tế. Việc quản lý thị trường vàng sẽ được tổng kết, đánh giá. Quy định mới về quản lý sẽ được soạn thảo sao cho phù hợp với thực tế. Song, đây không phải là việc một sớm một chiều. Nên trước mắt, cơ quan quản lý cần chủ động thông tin về thị trường để có định hướng chính thống. Về lâu dài, cần tính đến việc nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng, từ đó công khai, minh bạch thông tin và việc điều hành thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần minh bạch thông tin thị trường vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.