Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần làm rõ về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy một số sở chuyên ngành

Việt Tuấn| 27/04/2022 17:51

(HNMO) - Chiều 27-4, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế về việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2022; công tác sắp xếp bộ máy, biên chế công chức và hoạt động của UBND phường thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội làm việc với một số sở về sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp công lập.

Theo Sở Nội vụ, năm 2022, tổng số biên chế hành chính được giao theo Quyết định số 5199/QĐ-UBND của UBND thành phố là 11.639 biên chế. Tổng số có mặt tính đến ngày 28-2-2022 là 10.637 biên chế. Về kết quả thực hiện việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp năm 2022 (trừ khối đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục, y tế), tổng số biên chế viên chức được giao là 8.059 (trong đó biên chế viên chức là 5.947); số biên chế có mặt tính đến ngày 28-2-2022 là 7.581 (trong đó biên chế viên chức là 4.468).

Hiện nay, tổ chức bộ máy của Sở Y tế có 80 đơn vị, gồm 3 đơn vị cơ quan quản lý hành chính và 77 đơn vị sự nghiệp công lập (42 bệnh viện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và 5 trung tâm chuyên khoa). Tổng số biên chế khối hành chính năm 2022 của Sở được thành phố giao 179 chỉ tiêu (số có mặt đến 28-2-2022 là 153, thiếu 26 biên chế so với chỉ tiêu được giao); số biên chế khối sự nghiệp được giao 29.078 chỉ tiêu (số có mặt đến 28-2-2022 là 26.054, thiếu 3.024 biên chế so sới chỉ tiêu được giao).

Còn tại Sở Giáo dục và Đào tạo, tổng số biên chế khối hành chính năm 2022 của Sở được thành phố giao 141 chỉ tiêu (số có mặt đến 28-2-2022 là 124). Số biên chế khối sự nghiệp (tổng số 126 đơn vị) được giao 10.743 chỉ tiêu (số có mặt đến 28-2-2022 là 9.826 người).

Về kết quả sau gần 1 năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cho thấy, bộ máy chính quyền thành phố trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân, phục vụ nhân dân được tốt hơn...

Ban Pháp chế HĐND thành phố nhận định, số biên chế thực hiện có mặt tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố đều bảo đảm bằng hoặc thấp hơn số biên chế được giao; công tác rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố để tinh gọn, hiệu quả theo chỉ đạo, quy định của Trung ương tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch chủ động, có lộ trình hợp lý, quy trình thực hiện chặt chẽ.

Đặc biệt, việc bố trí công chức, viên chức tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố cơ bản đảm bảo đúng theo vị trí việc làm tại Đề án được UBND thành phố phê duyệt. Tình trạng bố trí hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn tại các cơ quan hành chính cơ bản được khắc phục. Việc bố trí số lượng cấp phó trong cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện và cơ quan cấp sở cơ bản đúng quy định…

Công tác sắp xếp bộ máy, biên chế của cấp phường thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị  thực hiện đúng kế hoạch đề ra, được cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao. Sau sắp xếp, tư tưởng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ổn định, không phát sinh đơn thư, khiếu nại tố cáo.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng cho rằng, tình trạng thiếu biên chế, công chức môn phải kiêm nhiệm nhiều công việc thuộc chức danh chuyên môn khác dẫn đến quá tải trong xử lý công việc diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, tập trung chủ yếu ở UBND phường, quận đông dân, cơ quan có số lượng hồ sơ thủ tục hành chính hoặc thực hiện nhiều công tác tổng hợp, tham mưu cho thành phố như tài chính - ngân sách, nội vụ… Biên chế hiện có mặt của khối sự nghiệp y tế, giáo dục được giao thiếu nhiều so với số giao và thấp hơn nhiều so với biên chế theo định mức của ngành. Vì thế, để đáp ứng cơ bản yêu cầu của thực hiện nhiệm vụ của ngành, các đơn vị quản lý, sử dụng lao động đều ký hợp đồng lao động để làm công tác chuyên môn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học sinh và của viên chức. Ngoài ra, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên do chưa đồng bộ về cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học dẫn đến một số cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong công tác dạy học cũng xảy ra ở nhiều cơ sở giáo dục, ở tất cả các cấp học.

Nhiều thành viên Đoàn giám sát cũng nhận định, tình trạng thiếu biên chế tại một số đơn vị sự nghiệp ngoài khối giáo dục và y tế, kể cả những đơn vị đã thực hiện tự chủ một phần, đặc biệt các đơn vị có các vị trí việc làm có tính chuyên biệt thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao, lao động - thương binh và xã hội như vận động viên thể thao, nghệ sĩ, diễn viên… đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ hợp lý, dẫn đến nguy cơ thiếu ổn định về nhân sự để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, ảnh hưởng đến chất lượng và tính trách nhiệm trong giải quyết công việc, nhiệm vụ là rất lớn.

Việc điều động đội ngũ công chức phường sau khi chuyển thành công chức giữa các phường hoặc giữa phường với các phòng chuyên môn thuộc quận khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị còn gặp lúng túng. Dẫn đến có nơi chưa thực hiện được quy định công chức tư pháp hộ tịch được ký chứng thực do chưa đủ điều kiện về thời hạn đảm nhiệm vị trí, trong khi có địa bàn phường khác, công chức phòng chuyên môn của quận lại dư công chức đủ điều kiện…

Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương đề nghị các sở tiếp thu các ý kiến thành viên đoàn giám sát trao đổi, bổ sung báo cáo để đoàn tổng hợp kết quả đợt giám sát. Trong đó, cần nhấn mạnh, làm rõ hơn kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy và kế hoạch trong năm 2022 của từng đơn vị; kết quả kiểm tra việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; giải pháp xử lý trong thời gian tới đối với các biên chế thiếu trong lĩnh vực giáo dục, y tế trong năm 2022. Đặc biệt đối với ngành giáo dục, Sở cần nêu rõ số lượng biên chế cần bổ sung năm học 2021-2022 là bao nhiêu để đáp ứng nhu cầu tăng dân số, tăng học sinh và quy hoạch mạng lưới trường học. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các sở, ngành, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo với Thường trực HĐND thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy một số sở chuyên ngành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.