(HNMO) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 31-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BVVKDTV).
Các ĐBQH đoàn Hà Nội đều cho rằng, việc ban hành luật là cần thiết, thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong công tác BVVKDTV, phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, theo ĐB Bùi Thị An, Dự thảo luật còn nhiều điều, khoản quy định chung chung hoặc giao lại cho Chính phủ quy định. Để bảo đảm luật có tính khả thi, cần quy định rõ thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ NNPTNT trong công tác chỉ đạo KDTV. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ NN&PTNT, nhất là trong các lĩnh vực như: kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong nông sản để đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý thuốc BVTV quá hạn sử dụng, việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân trong sử dụng thuốc BVTV...
Ở một góc nhìn ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, dự luật nêu rõ một loạt hành vi bị nghiêm cấm trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở hô hào khẩu hiệu mà thiếu chế tài xử lý.
Cùng ngày, QH đã thảo luận ở tổ là luật Tiếp công dân. Đáng lưu ý, 100% ý kiến phát biểu của ĐBQH Đoàn Hà Nội đều cho thấy, Dự thảo chưa xác định rõ mục đích người đứng đầu tiếp công dân để trực tiếp giải quyết hay chỉ để nắm tình hình, hoặc đơn thuần tiếp nhận, giải tỏa bức xúc của dân như các hoạt động tiếp công dân thường xuyên.
Ngoài ra, trên thực tế, số lượng người dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có sự khác biệt khá lớn giữa cấp trung ương và địa phương, giữa các địa bàn hoặc giữa các ngành, lĩnh vực. Nếu quy định cứng việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày trong tháng để trực tiếp tiếp công dân là không phù hợp với thực tế, thiếu linh hoạt và không thực sự hiệu quả. Do đó, Dự thảo Luật tiếp công dân cần xây dựng lại cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.