(HNM) - TP Hồ Chí Minh cần hơn 2.100 tên để đặt, đổi tên đường nhưng hiện quỹ tên đường của thành phố ngày càng cạn kiệt
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định bổ sung tên 13 nhân vật lịch sử và một sự kiện lịch sử vào quỹ tên đường của thành phố. Trong số này có các tên tuổi nổi tiếng như Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc GS Trần Văn Khê...
Nhiều tên đường “lạ” xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh. |
Theo Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 3.600 tuyến đường, trong đó có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường "có vấn đề" như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật, tên nhân vật còn tranh cãi, thậm chí tên nhân vật nhưng không có thật trong thực tế hoặc không có công trạng gì... Nhiều tên đường còn ghi sai tên danh nhân.
Ngoài ra, thành phố còn hàng trăm tên đường viết tắt hoặc đánh số rất khó tìm, gây nhầm lẫn cho người đi đường cần phải thay thế tên khác. Trước nhu cầu này, TP Hồ Chí Minh cần tới hơn 2.100 tên để đặt hoặc đổi tên cho các con đường. Ngoài ra, theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025 có khoảng trên 800 con đường sẽ xây dựng mới cần được đặt tên. Trong khi đó, hiện quỹ tên đường của thành phố ngày càng cạn kiệt, việc bổ sung tên đường phải qua nhiều quy trình thẩm định nên rất chậm.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quỹ tên đường phong phú, đa dạng. Theo Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP Hồ Chí Minh, có thể mở rộng phương cách đặt, đổi tên đường như tăng cường dùng tên các biển đảo của Việt Nam để đặt tên đường (như đã có đường Hoàng Sa, Trường Sa); chọn lọc tên các đặc sản của TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ; bổ sung tên các danh nhân người nước ngoài có công với nhân loại và có ảnh hưởng đến Việt Nam (như đã có đường Alexandre De Rhodes); lấy tên các loài hoa (như đã có đường Hoa Mai, Hoa Lan...); lấy tên các động vật đẹp như phượng hoàng, sơn ca, họa mi... hoặc sử dụng các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội để đặt, đổi tên đường.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, khi đô thị hóa cao, TP Hồ Chí Minh mở rộng ra bên ngoài, đó là những vùng có những địa danh rất quý như tên làng, địa danh cổ ở địa phương mà thành phố hoàn toàn có thể khai thác để đặt tên đường. Đồng quan điểm trên, theo TS Phạm Quốc Quân, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, có thể khai thác quỹ tên đường là tên cổ của những vùng đất và cộng đồng cư dân ở đó, việc lấy các tên này để đặt tên đường còn giúp tôn vinh lịch sử, văn hóa chính vùng đất đó.
Trước nhu cầu cần bổ sung quỹ tên đường cũng như mở rộng phương thức đặt tên đường, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng đặt đổi tên đường thành phố đã giao các ngành chức năng, đơn vị liên quan nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân, đề xuất những tên cụ thể để đưa vào quỹ tên đường thành phố.
Đối với những tên đường hiện hữu nhưng không phù hợp, bà Nguyễn Thị Thu cho biết, có thể đổi với một lộ trình phù hợp hoặc không cần phải đổi mà chỉ cần ghi chú trên bảng tên đường nhằm tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống của người dân và hạn chế những chi phí kèm theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.