(HNM) - Giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành logistics Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giữ chuỗi cung ứng cho sản xuất, kinh doanh. Để phát huy vị thế khi nền kinh tế dần hồi phục sau dịch, bên cạnh nỗ lực nội tại, ngành logistics Việt Nam cần được hỗ trợ nhiều mặt. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa để làm rõ nội dung này.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành logistics, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19?
- Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng... Do vậy, logistics là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dịch vụ logistics hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng cường sức cạnh tranh. Dịch vụ logistics phát triển tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đặc biệt khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, ngành logistics đã phát huy được năng lực trong bảo đảm hoạt động giao nhận, kho bãi, lưu thông hàng hóa thông suốt. Điều này thể hiện rõ trong việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm và thiết bị y tế trong điều kiện giãn cách xã hội, cũng như trong hoạt động thương mại điện tử.
- Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Khó khăn lớn là sự đứt gãy, gián đoạn việc cung ứng dịch vụ chuyên chở, kết nối hàng hóa cho sản xuất, đời sống, xuất nhập khẩu và nền kinh tế nói chung. Cước vận chuyển quốc tế tăng mạnh từ năm 2020 tới nay, container thiếu hụt nghiêm trọng, việc đặt chỗ trên tàu biển và máy bay cũng rất khó khăn.
Đơn cử, 60% hàng hóa được vận chuyển bằng máy bay chở khách, khi dịch Covid-19 bùng phát số máy bay chở khách bị cắt giảm đáng kể. Một số hãng bay đã phải tháo ghế hành khách để chuyển đổi sang mục đích chở hàng.
Mặc dù chấp nhận giá cước vận tải đường biển tăng hơn 6 lần so với trước, nhưng doanh nghiệp logistics khó thuê được container, dẫn tới chậm trễ hoặc phải hủy đơn hàng xuất khẩu, phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại cảng. Thời gian qua, sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với sự lây lan nhanh, mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố khiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng càng thêm trầm trọng.
Ngoài ra còn là những khó khăn về việc tiêm chủng cho lực lượng cung cấp dịch vụ; việc đi lại, giao dịch bị hạn chế, thu nhập giảm sút; chi phí tăng do doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên nhiều lần; có nơi lái xe không có việc làm, có nơi lại thiếu lái xe… Do đó, khoảng 60% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics bị ảnh hưởng nặng nề về hoạt động và doanh thu.
- Xin ông cho biết, với những khó khăn, thách thức như vậy, doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào để thích ứng?
- Các doanh nghiệp đã chủ động đề ra kế hoạch làm việc phù hợp, thích ứng và bảo đảm hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”. Chúng tôi đã tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh.
Ngành dịch vụ logistics hiện nay không chỉ phát triển, đáp ứng việc luân chuyển hàng hóa quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa nội địa. Khi dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến, thương mại điện tử theo đó phát triển đã thúc đẩy dịch vụ logistics phục vụ lĩnh vực này cũng phát triển theo. Rất nhiều doanh nghiệp chuyển phát trong nước đã nhanh chóng thích ứng, tận dụng được cơ hội này và gia tăng lợi nhuận.
- Ông có kiến nghị gì để ngành logistics có thể phát huy vị thế, nhất là khi nền kinh tế dần phục hồi sau dịch Covid-19?
- Chúng tôi mong muốn các quy định chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch được áp dụng thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương một cách như vừa qua, gây ách tắc, đứt gãy việc vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết yếu cho đời sống xã hội, sản xuất và xuất nhập khẩu. Đồng thời, hệ thống y tế trong cả nước phải được củng cố để bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”.
Vừa qua, Chính phủ đã đề ra các giải pháp về tài khóa rất kịp thời và phù hợp, nhưng khi triển khai, doanh nghiệp vẫn gặp khó, như về ưu đãi thuế, giảm các chi phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển và hỗ trợ người lao động…
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong việc chuyển đổi số, có các giải pháp đầu tư nâng cao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời tiếp tục tiêm chủng đầy đủ cho lực lượng lao động trực tiếp để bảo đảm hoạt động logistics không bị đứt đoạn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.