Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần hiểu đúng, đầy đủ kết luận thanh tra

Theo Báo Điện tử ĐCSVN/Báo Thanh tra| 12/04/2012 19:55

Gần đây, nhiều trang tin tập trung bình luận những con số từ kết luận thanh tra tại các tập đoàn kinh tế lớn với những sai phạm hàng chục, thậm chí nhiều chục ngàn tỷ đồng. Dư luận không khỏi lo lắng đặt dấu hỏi về việc thất thoát tài sản Nhà nước, dấu hiệu tham nhũng… Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản khẳng định: Cần hiểu đúng, đầy đủ kết luận thanh tra.


Phó Tổng Thanh tra cho biết: Trong quý I/2012, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành 11 kết luận thanh tra tại một số tập đoàn lớn gồm: Hoá chất Việt Nam, Dầu khí Việt Nam (PVN), Viễn thông Quân đội; việc thực hiện quản lý Nhà nước về dược của Bộ Y tế; thanh tra trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nhà ở; thanh tra tại Tập đoàn Sông Đà, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng và một số dự án đầu tư xây dựng tại Kiên Giang và thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại Tuyên Quang, Tiền Giang và Bến Tre.

Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về quản lý kinh tế hơn 30,7 nghìn tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 3,7 nghìn tỷ đồng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trên 27 nghìn tỷ đồng; kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vi phạm.

Việc tách rõ các số liệu vi phạm về quản lý kinh tế, về xử lý là thu hồi về ngân sách Nhà nước hay kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét nói trên cho thấy, cơ quan TTCP đã phân biệt rất rõ khái niệm khuyết điểm, vi phạm và sai phạm trong khi kết luận thanh tra.

Tương tự như vậy là việc dùng các từ “thất thoát ngân sách”, “sai phạm” và “vi phạm”.

Thất thoát thì ai cũng hiểu là mất vốn, mất tiền đầu tư.

Sai phạm thì cần phải xem xét trách nhiệm cụ thể, thậm chí phải chuyển cơ quan điều tra. Nhưng, vi phạm thì có thể là chưa làm đúng qui trình thủ tục hoặc trong chuỗi qui trình thủ tục hoặc đơn vị đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ theo quy định…

Khi gộp các khái niệm này thành “sai phạm” sẽ phản ánh không đúng bản chất, rất dễ tạo phản ứng ngược, gây dư luận không tốt, đặc biệt trong việc thông tin xung quanh các kết luận thanh tra tại các tập đoàn kinh tế vừa rồi.

+ Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Trước và sau cuộc họp báo thường kỳ của TTCP, các cơ quan báo chí đưa khá đậm về kết luận thanh tra tại các tập đoàn lớn như Sông Đà, PVN. Tuy nhiên, nhiều bài báo đã đưa các thông tin không sát thực tế, không đầy đủ, thậm chí chưa đúng về các kết luận này. Trong đó, phổ biến là cách tổng hợp hết các số liệu vi phạm các quy định về quản lý tài chính là sai phạm, là không sát đúng với nội dung của kết luận thanh tra.

Tôi xin dẫn chứng đối với kết luận thanh tra tại PVN. Trong bài viết, một số PV đã gộp nhiều nội dung vi phạm về trình tự thủ tục hành chính, thiếu về qui trình hoặc thực hiện chưa đúng quy định… thành “sai phạm”. Cụ thể là khoản tiền 11,8 tỉ đồng được sử dụng từ Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo mà PVN đã sử dụng để xây dựng Trường THPT Đất Mũi; trên 1.600 tỷ đồng ứng vốn cho các địa phương Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang thực hiện giải phóng mặt bằng; 1.922,2 tỉ đồng từ việc cổ phần hoá mà một số đơn vị chưa nộp về Quỹ. Thực ra, đây không phải là sai phạm vì những vi phạm này không làm thất thoát hay mất vốn.

Tại kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị PVN điều chỉnh, sử dụng đúng nguồn vốn cấp cho các nội dung hay bổ sung qui trình hoặc báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đây được hiểu là vi phạm thủ tục hành chính, là khuyết điểm, là vi phạm trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

+ Kết luận thanh tra thường được hiểu là chỉ vạch ra những sai phạm nên dẫn đến cách hiểu gộp ở trên. Xin Phó Tổng Thanh tra cho biết làm thế nào để có thể tiếp cận đúng, đủ và tránh được xử lý đáng tiếc?


- Đúng là trong tâm lý tiếp cận từ trước đến nay, đối tượng thanh tra “ngại” bị thanh tra, người đọc thường hiểu các kết luận chỉ gắn với các sai phạm. Và, ở các chủ thể thanh tra lớn cả về qui mô, lĩnh vực, đầu tư thì các số liệu này lại càng “nóng”. Tuy nhiên, cần trở về với chức năng gốc của ngành Thanh tra, đó là chức năng “phòng thật tốt, xử lý thật nghiêm” và “cảnh báo, răn đe, phòng ngừa”, “là người bạn của dưới” như Hồ Chủ tịch đã từng nói.

Đoàn thanh tra khi xuống đơn vị cần hướng dẫn, nhắc nhở đơn vị làm đúng, làm đầy đủ các qui định, trình tự, tránh cho việc làm thiếu, làm tắt lâu ngày có thể trở thành một nguy cơ mất vốn, đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm minh sai phạm. Đó là lý do khiến công tác thanh tra, kiểm tra không thể thiếu trong hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Cá nhân tôi rất mong và đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí, các PV, nhà báo khi tiếp cận các kết luận thanh tra cần xem xét kỹ, phản ánh đúng nội dung, bản chất của sự việc.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hiểu đúng, đầy đủ kết luận thanh tra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.