(HNM) - 36 năm sau ngày thống nhất đất nước, ước mơ bấy lâu của người dân Cần Giờ đã thành hiện thực: những con đường thênh thang, những công trình du lịch biển đang được xây dựng. Và mới đây, hệ thống dẫn nước ngọt từ các nhà máy nước ở TP được nối thẳng về Cần Giờ - vùng đất xa nhất của TP Hồ Chí Minh.
Hết nỗi khổ thiếu nước ngọt
Ngày 24-4, người dân huyện Cần Giờ vui mừng đón dòng nước ngọt mát lành vượt hơn 42 km đường ống từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức về huyện theo dự án "Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ". Mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Thê, 84 tuổi rưng rưng xúc động, bởi niềm ao ước của mẹ là người dân ở đây không phải mang từng chiếc can đi mua nước với giá cao đã trở thành hiện thực. Giờ đây, nước đã chảy về tận nhà, nỗi khổ chắt chiu từng giọt nước mưa, lắng từng gàu nước phèn để dùng thêm của người dân Cần Giờ đã chấm dứt.
Không phải là từ trước đến nay Cần Giờ không có nước ngọt, mà là do cách trở bởi con sông Soài Rạp nên đường ống cấp nước từ TP chưa nối về được đến huyện. Vì vậy, để có nước ngọt cho vùng này, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phải chở nước bằng sà lan, và người dân mang can, thùng đến mua. Năm 2008, nhà máy xử lý nước lợ thành nước ngọt của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn được xây dựng, nhưng quy mô chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của Cần Giờ. Do chi phí vận chuyển, đầu tư đều đắt đỏ nên giá nước ở Cần Giờ rất cao. Để người dân Cần Giờ được mua nước bằng giá định mức như người dân ở trung tâm, UBND TP đã chi mỗi năm 50 tỷ đồng bù giá. Dù vậy, mỗi người dân Cần Giờ cũng chỉ được sử dụng bằng 1/2 tiêu chuẩn nước bình quân của người dân TP Hồ Chí Minh.
Tổng đầu tư cho dự án "Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ" là 821.754 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu, lượng nước phát là 6.000m3/ngày đêm. Hết giai đoạn 1 (năm 2015), công suất phát nước là 44.000m3/ngày đêm và đến giai đoạn 2 (năm 2020) công suất nâng lên đến 88.000m3/ngày đêm, đáp ứng đủ lượng nước sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho 300.000 dân (theo quy hoạch đến năm 2025).
Thênh thang đường ra biển
Du khách tham quan Đầm Dơi (huyện Cần Giờ).
Năm 1985, con đường ô tô đầu tiên được xây dựng xuyên qua trung tâm Rừng Sác, nối thông đoạn từ phà Bình Khánh (giáp huyện Nhà Bè) với thị trấn Cần Thạnh của huyện Cần Giờ. Và đến nay, con đường Rừng Sác - Cần Giờ dài hơn 31km, rộng 6 làn xe với lộ giới rộng 120m bắt đầu từ bến phà Bình Khánh đến ngã tư 30 - 4 (thuộc xã Long Hòa) đã hoàn thiện. Huyện Cần Giờ bây giờ chỉ còn cách TP Hồ Chí Minh 60 phút đi xe thay vì hơn 1 giờ như trước đây.
Để hoàn thành con đường Rừng Sác, UBND TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 1.561 tỷ đồng từ ngân sách. Trên con đường đất bụi ngày nào, giờ liên tục cứ 5 - 10 phút là có những chuyến xe buýt ngược xuôi. Từ ngày có đường mới, nhiều người dân chọn phương tiện vừa tiện vừa rẻ, lại an toàn này để đi vào trung tâm TP. Không chỉ đường Rừng Sác, các tuyến đường kết nối các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An… trong huyện cũng đang được nâng cấp mở rộng, trải nhựa.
Theo quy hoạch chung đến năm 2025 của TP Hồ Chí Minh, một trong hai hướng phát triển chính của TP là phía nam tiến ra biển. Tuyến đường Rừng Sác - Cần Giờ mới chỉ là bước đi đầu tiên cho những dự án lớn về du lịch biển theo quy hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh cho huyện Cần Giờ. Địa phương này vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái - thế mạnh của vùng đất có tới hơn một nửa diện tích (gần 38.000 héc ta) là rừng ngập mặn với đa dạng hệ thực vật, động vật đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Theo ông Huỳnh Cách Mạng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trong năm 2011 có tới 30 dự án khu đô thị - du lịch - nhà vườn đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, hàng chục dự án khu đô thị sinh thái khác đang tiếp tục triển khai, trong đó có dự án khu du lịch biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) rộng đến 600 héc ta (phần diện tích lấn biển là 200 héc ta) ở xã Long Hòa…
Trong kháng chiến, nhân dân Cần Giờ đã anh dũng kháng chiến. 36 năm sau, trong thời bình, vùng đất đầm lầy ngày nào đang vươn mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đưa TP Hồ Chí Minh tiến ra biển làm giàu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.