(HNM) - Phản ánh với Báo Hànộimới, một người dân ở Khu tập thể Cầu 1, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm cho biết:
Vi phạm có, nhưng không dễ xử lý
Trong thời gian qua, tại Khu tập thể Cầu 1, tổ dân phố Đống 1, phường Cổ Nhuế 2 có một số trường hợp xây dựng nhà, nhưng đều không có giấy phép xây dựng. Vì vậy, các hộ đều bị lập biên bản, bị xử phạt vi phạm hành chính… Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, Khu tập thể Cầu 1 nằm trên đất dọc bờ sông Nhuệ. Năm 1983, Xí nghiệp Xây dựng cầu 202 (thuộc Công ty Cầu Thăng Long) đã sử dụng đất rìa sông Nhuệ để vật tư, nguyên vật liệu và làm nhà cho công nhân ở. Năm 1989, Xí nghiệp Xây dựng cầu 202 có quyết định phân nhà ở cho công nhân. Từ đó đến nay, các hộ sử dụng đất ổn định, liên tục, không tranh chấp và hiện có khoảng 70 hộ gia đình sinh sống.
Công trình của ông Trần Văn Hiệu, khu tập thể Cầu 1 bị xử phạt 7,5 triệu đồng do xây dựng không có giấy phép. |
Thừa nhận về việc các hộ làm nhà khi không có giấy phép xây dựng, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho biết: Tại Khu tập thể Cầu 1 có một số công trình vi phạm TTXD và hồ sơ vi phạm đã được thiết lập đầy đủ. Tuy nhiên, những vi phạm đó đều bắt nguồn từ việc các hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được cấp phép xây dựng. Tại khu vực này, ngoài phần đất thuộc hành lang sông Nhuệ còn có cả phần đất quy hoạch là dải cây xanh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do chưa được cắm mốc bảo vệ hành lang sông Nhuệ nên các hộ dân không biết được phép xây dựng đến đâu. Người dân chỉ biết rằng, thực tế nhà mình đang sử dụng đến đâu thì sẽ xây nhà ở đó… Đến thời điểm này, sau hơn 20 năm sử dụng, hầu hết các căn hộ tập thể đều đã xuống cấp, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão. Hơn nữa, gia đình nào cũng có 2, 3 thế hệ nên nhu cầu xây dựng của người dân là rất lớn. Biết là vi phạm nhưng các hộ chấp nhận nộp phạt để có chỗ ở khang trang hơn. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri hằng năm, vấn đề này đều được đưa ra, nhưng các cơ quan chức năng vẫn "nợ" người dân câu trả lời. Và một thực tế không thể khác là để làm "tròn" hồ sơ, các cơ quan chức năng vẫn phải ra quyết định cắt điện, cắt nước, quyết định đình chỉ xây dựng… nhưng sau đó các công trình vẫn hoàn thiện. Điều này cho thấy cách xử lý vi phạm như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, và vô tình những hồ sơ vi phạm đó làm dày thêm nỗi bức xúc của hầu hết các hộ dân đang sinh sống nơi đây.
Hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chưa được cắm mốc
Để làm rõ lý do vì sao các hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên môi trường, Đội Thanh tra xây dựng quận Bắc Từ Liêm và nhận thấy vấn đề cơ bản nhất để giải quyết triệt để tình trạng trên vẫn còn nhiều vướng mắc. Đó là vì việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông Nhuệ chưa được thực hiện và từ trước đến nay quy định về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi đã thay đổi nhiều lần. Theo Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 31-8-1994 quy định thì "Kênh mương có lưu lượng từ 10m3/giây, phạm vi bảo vệ từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 20m, lưu lượng lớn hơn 20m3/giây, phạm vi bảo vệ từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 30m". Tháng 9-1998, UBND huyện Từ Liêm (cũ) có Công văn 368/UB-ĐC gửi UBND thành phố và các sở liên ngành xin ý kiến về chỉ giới hành lang bảo vệ sông Nhuệ, sau đó Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến trả lời chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ là 30m tính từ chân mái bờ phía đồng trở ra. Ngày 22-8-2001, Sở Địa chính nhà đất Hà Nội có Công văn số 4020 về việc xác định chỉ giới hành lang sông Nhuệ và Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ có công văn xác định chỉ giới hành lang bảo vệ sông Nhuệ. Theo đó, khu vực có đê phạm vi bảo vệ công trình tính từ chân mái ngoài (phía đồng) từ 3m đến 5m. Khu vực không hình thành đê phạm vi công trình từ tim sông ra là 45m…
Trước ngày 1-7-2004, UBND huyện Từ Liêm cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình tính từ tim sông sang mỗi bên là 48m, phần nằm trong hành lang bảo vệ sông Nhuệ chưa cấp giấy chứng nhận. Sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, tại Quyết định 23/2005/QĐ-UBND ngày 18-2-2005 của UBND TP Hà Nội quy định, người sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ các công trình cầu, cống, kênh, mương… trước thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định về phạm vi hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, cầu, cống… được cấp giấy chứng nhận nhưng chủ sử dụng đất phải chấp hành đúng các quy định về hạn chế sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận. Song, trên thực tế, đa số các trường hợp sử dụng đất dọc bờ sông Nhuệ đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ… Từ năm 2005, UBND huyện Từ Liêm đã có văn bản xin ý kiến của UBND thành phố về việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi… nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường quận Bắc Từ Liêm cho biết: Chỉ sau khi UBND quận và UBND các phường được bàn giao hồ sơ về chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ và nhận mốc trên thực địa thì quận và các phường mới xem xét được việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ theo đúng quy định…
Những vi phạm về TTXD tại Khu tập thể Cầu 1 chỉ là một phần rất nhỏ bởi riêng trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2, dọc theo bờ sông Nhuệ có khoảng 10 khu tập thể với khoảng 700 hộ dân sinh sống. Việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông Nhuệ muộn ngày nào sẽ khiến công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng phức tạp thêm ngày đó bởi chính quyền địa phương quản lý không hiệu quả, còn người dân thêm nỗi bất bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.