Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp đột phá phát triển nhà ở xã hội

Hà Phong| 28/03/2023 12:24

(HNMO) - Tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 28-3, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

 cùng các chuyên gia đô thị, pháp luật, kinh tế; doanh nghiệp bất động sản đã hiến kế nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030...

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn

Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Song với tiến độ hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra. 

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thời gian qua, Việt Nam đã có không ít kinh nghiệm về phát triển nhà ở xã hội. Nhiều ngân hàng có chính sách cho vay để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, chương trình phục hồi và phát triển có 15.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội… Tuy nhiên, việc đầu tư thị trường nhà ở xã hội gặp khó khăn, thách thức; vẫn có cách hiểu cho rằng, nhà ở xã hội là "câu chuyện từ thiện, có cũng như không".

“Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi", ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm. 

Bên cạnh đó, còn có vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục và không thực thi; quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu, vừa thừa"; nguồn vốn chưa bền vững; lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa hấp dẫn; vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội...

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành phát biểu tại hội thảo.

Đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành nói về câu chuyện chính doanh nghiệp của ông từng phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng; khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở, ngành cũng mất nhiều thời gian. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12% - vẫn quá cao.

Sẽ có nhiều hướng gỡ khó

Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, quá trình triển khai các thiết chế công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất cho Tổng Liên đoàn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi chờ có hành lang pháp lý, Tổng Liên đoàn kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ làm dự án nhà ở cho công nhân.

Để giải quyết vấn đề quỹ đất, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group kiến nghị các địa phương nghiên cứu tạo ra quỹ đất để doanh nghiệp đấu thầu làm nhà ở xã hội. "Khu đất xây nhà ở xã hội nên ở khu vệ tinh. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu và chúng ta sẽ có nguồn lực đầu tư nhà ở xã hội", ông Ngô Quang Phúc nói.

Đưa giải pháp tổng thể hơn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất 6 nhóm vấn đề. Đầu tiên, phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận nhà ở xã hội. Phải coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội. Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản. Thứ hai, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý. Thứ ba, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất. Thứ tư, cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nhà ở xã hội. Thứ năm, phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội. Cuối cùng là ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội.

Lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ, các khó khăn về quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra đang được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10-2023. Trong đó, việc lựa chọn chủ đầu tư theo quy định pháp luật đấu thầu cũng được cắt giảm nhiều thủ tục. Ngoài ra, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Về nguồn vốn, theo ông Hà Quang Hưng, trong thời gian qua, có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư, người dân vay. Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội. Ông Hà Quang Hưng cũng đề nghị người đứng đầu các địa phương cần xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm thực hiện. 

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chia sẻ trực tuyến tại hội thảo.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam thông tin thêm, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH được giao tổng số 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, và số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỷ đồng.

"Như vậy, về nguồn vốn để cho vay chương trình này trong hai năm 2022 và 2023 là không thiếu", ông Huỳnh Văn Thuận nói - đến nay, danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, như vậy còn hơn 7.000 tỷ đồng. Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình cho vay dành cho nhà ở xã hội, NHCSXH kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung.

Đồng thời, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp đột phá phát triển nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.