(HNM) - Tình trạng dân di cư tự do dù đang giảm nhưng những áp lực và hệ quả nảy sinh từ vấn đề này vẫn rất phức tạp...
Để khắc phục tình trạng này, giải pháp căn cơ nhất là phải hạn chế tối đa dân DCTD từ phía địa phương có dân chuyển đi bằng cách xây dựng các chính sách hỗ trợ địa phương để giữ dân lại.
Cần bố trí đất đai, ổn định đời sống, sản xuất của người dân để giảm thiểu tình trạng dân di cư. Ảnh: Trung Kiên |
Áp lực tăng, đói nghèo chưa giảm
Do thiếu vốn sản xuất nên dân di cư thường sản xuất theo quy mô đơn lẻ, cuộc sống tự cung tự cấp nên đời sống bấp bênh. Theo thống kê, hơn 45% người di cư hiện đang sống trong những căn nhà tạm, 70% số hộ chưa có nước sinh hoạt và 84% hộ chưa có điện sinh hoạt... Bên cạnh áp lực trực tiếp đến đời sống của người dân thì vấn đề dân DCTD hiện nay cũng đang đè nặng lên các địa phương nơi có dân đến. Đáng kể nhất là tình trạng phá rừng, xâm hại đất rừng, đang được xem là nguy cơ nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường và tình trạng sử dụng đất đai chưa được quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, mặc dù số lượng dân DCTD giảm so với trước năm 2005 nhưng diễn biến lại phức tạp hơn. Ông Tới cho hay, tỉnh đã cương quyết thu hồi đất lấn chiếm sau năm 2004 và bố trí sắp xếp lại dân di cư, đưa dân về nơi cũ, nhưng hiện vẫn còn gần 6.000 hộ sống rải rác trong các rừng phòng hộ. Trong khi đó, tại các tỉnh Tây Nguyên tình hình còn căng thẳng hơn do địa hình phân tán, dân di cư mang tính chất tự phát và sống trà trộn vào các khu dân cư nên càng khó quản lý. Tại tỉnh Đắk Lắk, nơi thu hút khá nhiều dân DCTD, hiện vẫn còn đến 33.000 người chưa có có đất ở và đất sản xuất, dẫn đến nhiều hệ quả như xáo trộn dân cư, tăng tỷ lệ đói nghèo, bệnh tật, tệ nạn xã hội, phá rừng, tàn phá môi trường... Tại tỉnh Kon Tum, nhức nhối nhất là tình trạng mua bán, tranh chấp đất đai xuất phát từ chính những người dân DCTD, vừa làm mất ổn định an ninh trật tự vừa gây khó khăn cho công tác quản lý sử dụng đất.
Ưu tiên số một là ổn định đời sống người dân
Thực hiện Chỉ thị số 39/2004/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tình trạng dân DCTD, trong những năm qua đã có nhiều dự án được triển khai, giúp ổn định cuộc sống cho một bộ phận nhân dân di cư. Tuy nhiên, theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tại các địa bàn dân di cư đến vẫn còn hơn 30.000 hộ dân ở phân tán, không theo quy hoạch, ở trong rừng phòng hộ đầu nguồn và chưa được bố trí, sắp xếp ổn định vào quy hoạch; nhiều hộ chưa được giao đất, nhập hộ khẩu, đời sống không ổn định, có nguy cơ tái DCTD đi nơi khác. Đặc biệt, nguồn vốn để triển khai các dự án bố trí ổn định dân cư, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu. Các tỉnh miền núi phía bắc như Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái đang triển khai 65 dự án với tổng vốn được duyệt là 1.535 tỷ đồng nhưng đến nay mới bố trí được gần 483 tỷ đồng, bằng 31%. Vốn được duyệt cho 16 dự án bố trí ổn định dân cư nơi đến của tỉnh Đắk Lắk là 436 tỷ đồng nhưng đến nay mới bố trí được 193,8 tỷ đồng; tỉnh Đắk Nông có 14 dự án với tổng số vốn là 1.048 tỷ đồng nhưng hiện mới bố trí được 287 tỷ đồng...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, di dân là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của quốc gia nhưng phải theo quy hoạch và kế hoạch. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ổn định đời sống người dân, vì vậy, các địa phương phải chú trọng vận động tuyên truyền để dân không phải di cư, ổn định cuộc sống ngay tại quê hương. Những tỉnh có dân đến cần tích cực bố trí đất đai, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ xem xét vấn đề vốn trên cơ sở xác định các vùng ưu tiên, từ đó bố trí hỗ trợ vốn phù hợp, bảo đảm cân đối nhu cầu thực tế hiện nay.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Giàng A Chu, các địa phương phải nắm chắc số dân trên địa bàn, tập trung phát triển sản xuất, bảo đảm các điều kiện an sinh xã hội để hạn chế dân di cư đến những nơi khác. Góp ý kiến về những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đề xuất các địa phương có dân di cư đi cần tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ quản lý và phát triển nghề rừng để các hộ có thu nhập chủ yếu từ nghề rừng; bố trí ngân sách địa phương lồng ghép vốn các chương trình để đầu tư cho các dự án như chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên xây dựng các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, phát triển du lịch...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số dân DCTD trong giai đoạn 2005-2012 khoảng 36.000 hộ với gần 277.000 nhân khẩu. Khu vực tập trung dân di cư nhiều nhất là miền núi phía bắc, trong đó chủ yếu ở các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước là những địa phương chủ yếu "đón" dân di cư đến. Điều đáng nói là nhóm dân di cư đại đa số thuộc đối tượng nghèo (chiếm hơn 40%), hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu vốn sản xuất... Trong đó dân di cư là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, gồm các dân tộc như Mường, Thái, Mông, Tày, Nùng… có số hộ nghèo đói rất cao, lên tới 85%, thậm chí người Mông lên đến 98%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.