Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần được tổ chức khoa học

Minh Thúy| 17/03/2011 07:39

(HNM) - Tại hội thảo đánh giá nghiên cứu "Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam hiện nay" do Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển Việt Nam tổ chức, một đề xuất được nhiều người quan tâm, đó là xem xét, bổ sung hình thức phạt lao động công ích vào hệ thống các hình thức xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) hiện nay. Qua Báo Hànộimới, nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm của mình về việc áp dụng hình thức xử phạt này.

Sinh viên Lâm Thị Huyền Thu (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội):
Làm thay đổi ý thức người vi phạm

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy nhiều ca sỹ, diễn viên… nước ngoài phải đi lao động công ích vì đã vi phạm một lỗi nào đó. Với hình thức xử phạt này, người bị xử phạt sẽ mất nhiều thể diện hơn so với việc người vi phạm chỉ âm thầm đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt. Ở nước ta hiện nay, có không ít người còn coi nhẹ việc xử phạt VPHC vì số tiền nộp phạt không quá nhiều, thay vì nộp tiền nếu những người này phải đi lao động công ích, tôi tin rằng ý thức của họ sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Khi hình phạt đánh vào sự sỹ diện của người vi phạm, họ sẽ phải đắn đo hơn so với việc chỉ phải móc "hầu bao" một vài trăm ngàn đồng…

Ông Lê Xuân Quân, Công an phường Phú La, quận Hà Đông:
Nếu áp dụng ngay sẽ gặp nhiều khó khăn

Để xử phạt VPHC một người bằng hình thức lao động công ích, tôi nghĩ là khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với xử phạt bằng tiền như hiện nay. Người bị phạt sẽ phải lao động công ích ở đâu. Về địa phương nơi cư trú hay tại nơi vi phạm. Ai là người quản thúc số đối tượng này và quỹ công việc dành cho lao động công ích ra sao? Bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện thì mới bảo đảm được sự công bằng giữa tính chất của lỗi vi phạm với công việc công ích. Nếu áp dụng phạt lao động công ích, khối lượng công việc sẽ phải tính thế nào cho tương ứng với lỗi vi phạm. Ai là người đánh giá chất lượng công việc mà họ đã làm, thế nào là đạt và thế nào là chưa đạt...

Bà Phạm Hồng Nhung, cán bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Nên áp dụng với một số vi phạm thường tái diễn

Ở mỗi địa phương có rất nhiều việc cần làm như dọn vệ sinh nơi công cộng, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, làm đường giao thông, công trình thủy lợi… Nếu buộc những người bị xử phạt VPHC phải đi lao động, tính giáo dục sẽ rất cao. Đây là mặt tích cực của hình thức xử phạt này, song theo tôi chỉ nên áp dụng với một số vi phạm thường gặp như đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm… Những người này thường nằm trong "top" con nhà giàu, phạt bằng tiền chẳng thấm vào đâu, do vậy, nếu bắt họ phải vất vả "chân lấm tay bùn" sẽ có tác dụng tốt hơn với người vi phạm.

Bà Hoàng Thị Hải Ninh, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy:
Áp dụng phù hợp với thực tiễn

Đây là hình thức xử phạt mà một số nước trên thế giới đã áp dụng mang lại hiệu quả xã hội rất cao, chúng ta cũng nên học hỏi và áp dụng linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Theo tôi, ý nghĩa của việc xử phạt là để răn đe, giáo dục, chứ không phải là để tạo nguồn thu, vì vậy đề xuất này cũng là hợp lý. Để tránh sự cứng nhắc và có hiệu quả trong xử phạt VPHC, chúng ta vẫn duy trì các hình thức xử phạt cũ, bên cạnh đó cần cân nhắc đưa thêm cả phạt lao động công ích để cải thiện tốt hơn ý thức người vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Long, cán bộ Tòa Dân sự - TAND TP Hà Nội:
Khó bảo đảm được một số nguyên tắc xử lý

Một trong những nguyên tắc của xử lý VPHC là mọi hành vi VPHC phải bị phát hiện và xử lý kịp thời; việc xử lý vi phạm phải tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để… Nếu áp dụng hình thức phạt lao động công ích vào xử phạt, liệu chúng ta có thể tiến hành nhanh chóng được không? Theo tôi, để thực hiện việc lao động công ích phải đợi người tổ chức, phân công, người giám sát… Nếu quy định là người vi phạm phải lao động công ích tại nơi ở, thì giữa cơ quan ra quyết định xử phạt và chính quyền địa phương còn phải liên hệ, phối hợp… Do vậy nguyên tắc này sẽ khó thực hiện được, nếu chúng ta không có cách làm khoa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần được tổ chức khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.