Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần được đầu tư cả về nhân lực và tài chính

Mai Hà| 06/11/2015 06:12

(HNM) - Trước sức ép của hội nhập quốc tế và các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đổi mới công nghệ là điều kiện sống còn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường.

Nhiệm vụ xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình và đổi mới công nghệ là một trong 18 nhiệm vụ của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc xây dựng này cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Định hướng cho đầu tư nguồn lực quốc gia

Vấn đề xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ tuy còn mới ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia. Trong đó phải kể tới Thái Lan, nhờ xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô gắn với nội dung xây dựng lộ trình công nghệ mà ngành này đã có bước phát triển thần kỳ với tỷ lệ nội địa hóa từ 50 đến 90%. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cũng tăng tỷ lệ kết quả nghiên cứu và phát triển (R&D) từ 18% trong những năm 90 của thế kỷ trước lên 80% vào năm 2004. Những thành công đó đều xuất phát từ việc xây dựng và áp dụng hiệu quả bản đồ và lộ trình công nghệ.

Cần hình thành được phương pháp lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ theo cách tiếp cận phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của Việt Nam. Ảnh: Hiệp Phương


Tại Việt Nam, vấn đề này được xác định là một trong những phương pháp quan trọng nhằm hỗ trợ đắc lực cho xây dựng chiến lược và quản lý công nghệ ở tầm quốc gia, ngành và DN. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết, bản đồ công nghệ được xây dựng với mục đích thể hiện rõ hiện trạng công nghệ ở Việt Nam gắn liền với thị trường và sản phẩm. Bản đồ công nghệ sẽ giúp chỉ ra Việt Nam đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu, khoảng cách của chúng ta so với thế giới ra sao? Chúng ta có thể sản xuất được sản phẩm nào ở trong phân khúc thị trường nào? Năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu ở Việt Nam đáp ứng như thế nào đối với yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm.

Trên cơ sở bức tranh rõ nét như vậy, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ sẽ được xây dựng nhằm trả lời câu hỏi chúng ta sẽ hướng đến phân khúc thị trường nào trong tương lai? Trong thị trường đó cần tập trung phát triển sản phẩm gì, với đặc tính kỹ thuật như thế nào? Sẽ cần phải phát triển những công nghệ gì để sản xuất ra sản phẩm đó? Tương tự, đánh giá trình độ công nghệ dựa trên bản đồ công nghệ sẽ là căn cứ rất thuyết phục để các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý về KH&CN và quản lý về đầu tư có định hướng đúng về đầu tư nguồn lực quốc gia, đầu tư cho các ngành, các lĩnh vực và nền kinh tế.

Để hình thành bản đồ công nghệ, lộ trình và đổi mới công nghệ ở Việt Nam, theo các chuyên gia, trước hết cần khảo sát, tập hợp số liệu, hiện trạng KH&CN trong các lĩnh vực đầu tư sản xuất. Bản đồ nên được xây dựng theo các cấp độ, từ quốc gia đến bộ, ngành, phân ngành và DN.

Cần xây dựng lộ trình rõ ràng

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, để xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ thì trước mắt, chúng ta vẫn phải học theo quy trình từ các nước. Bên cạnh đó, Việt Nam phải có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh và đồng bộ để làm các công việc như thống kê số liệu, tư vấn, đánh giá trình độ công nghệ, xây dựng báo cáo quốc gia về trình độ công nghệ cũng như xây dựng bản đồ quốc gia về công nghệ.

Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, DN là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ. Hơn ai hết, họ hiểu rõ mình có thể sản xuất ra sản phẩm gì với đặc tính kỹ thuật như thế nào. Tuy nhiên, để có thể đổi mới hiệu quả, DN cần xây dựng lộ trình với những mục tiêu rõ ràng, cụ thể về sản phẩm và công nghệ. Điều đó giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, nhất là khi tiến hành đầu tư công nghệ đa thế hệ.

Thực tế hiện nay cho thấy các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa khó có thể tự mình đầu tư đổi mới công nghệ nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, hỗ trợ thông qua hệ thống KH&CN đóng vai trò quan trọng. Bản đồ và lộ trình công nghệ giúp chỉ ra những thiếu sót về năng lực công nghệ của ngành và trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ định hướng đầu tư vào các công nghệ cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành, lĩnh vực. Điều này hỗ trợ DN đổi mới công nghệ đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, do nước ta đang ở mức trung bình thấp về trình độ công nghệ nên cần hình thành được phương pháp lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ theo cách tiếp cận phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của mình, đồng thời cần sự đồng thuận từ các bộ, ngành và DN, những người trực tiếp sử dụng kết quả bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ.

Đặc biệt, quá trình triển khai thực tế cho thấy có một khó khăn lớn là hệ thống số liệu, dữ liệu về công nghệ, đặc biệt là công nghệ sản xuất trong các DN hiện còn tản mát và chưa được thống kê, theo dõi thường xuyên. Chính vì vậy, công tác điều tra, khảo sát để thu thập dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng bản đồ công nghệ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí thực hiện. "Tuy nhiên, tôi tin rằng, khi bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ được các DN tiếp cận và sử dụng, quá trình này sẽ trở nên thuận lợi hơn", ông Tạ Việt Dũng nhận định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần được đầu tư cả về nhân lực và tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.