(HNM) - Theo Bộ Tài chính, mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2015 đạt khá, song số thu về dầu thô đã giảm 34% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu giảm 42,2 USD/thùng so với giá dự toán.
Trong bối cảnh thu NSNN gặp khó khăn, nhiều giải pháp sẽ được thực hiện, trong đó có việc tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên những tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm mạnh.
Người dân tới nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hoàng Mai (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Thu ngân sách giảm: Nhiều "kịch bản" ứng phó
Tại cuộc họp báo về tình hình quản lý NSNN diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu (XNK) 5 tháng vừa qua phát triển tốt, nên so với cùng kỳ một số năm gần đây, tiến độ thực hiện thu nội địa và thu cân đối từ XNK đạt khá. 5 tháng qua, tổng thu NSNN ước đạt 380,76 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu nội địa đạt 44,3% dự toán, tăng 16,3%; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 37,7% dự toán, tăng 6,5%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết, số thu từ dầu thô chỉ đạt 32,6% dự toán, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2014 do giá dầu giảm. Giá dầu theo dự toán trình Quốc hội là 100 USD/thùng. Song, bình quân 5 tháng đầu năm nay, giá dầu thô chỉ đạt 57,8 USD/thùng, giảm 42,2 USD/thùng so với giá dự toán. Hoạt động chi NSNN thực hiện 5 tháng ước đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% dự toán, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các hoạt động chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và viện trợ, chi phát triển các sự nghiệp KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính… đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Huỳnh Quang Hải, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách nhìn chung được bảo đảm theo dự toán, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Song, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, đã phát sinh nhiều thách thức, đáng chú ý là giá dầu thô giảm mạnh so với dự toán, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015. Để chủ động trong điều hành và giữ vững cân đối NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một số giải pháp nhằm giữ vững an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh nguồn thu NSNN từ dầu thô dự kiến sụt giảm mạnh. Một trong những giải pháp được đưa ra là tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định. Theo đề xuất của Bộ, sẽ tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên những tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn. Đến tháng 8-2015, căn cứ vào tình hình kinh tế, NSNN, diễn biến giá dầu thô và đánh giá tác động của việc giá dầu giảm đến NSNN sẽ có nhiều "kịch bản" ứng phó. Trường hợp dự kiến thu ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2015 đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định. Trường hợp dự kiến thu NSTƯ năm 2015 không đạt dự toán, sẽ cắt giảm các nguồn kinh phí tạm giữ lại của NSTƯ cho đến khi bù đắp được số giảm thu.
Giảm chi, chia sẻ khó khăn với ngân sách
Theo tính toán của Vụ NSNN, đối với ngân sách địa phương (NSĐP), trường hợp dự kiến thu (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, thì sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại để bù đắp số giảm thu. Nếu vẫn còn thiếu nguồn thì sử dụng thêm nguồn lực tài chính khác của địa phương kết hợp với rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết... để bảo đảm cân đối NSĐP. NSTƯ xem xét tạm ứng nguồn bảo đảm cân đối NSĐP trong một số trường hợp cần thiết. Ông Huỳnh Quang Hải cho biết, việc cắt giảm sẽ tạo ra những khó khăn nhất định, nhưng nó cũng tạo ra ý thức tiết kiệm, sự quyết tâm và chia sẻ về những khó khăn chung của NSNN. Giải pháp tiết kiệm, tránh lãng phí đã được Chính phủ thực hiện vài năm nay. Nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã chấp hành nghiêm túc và hưởng ứng những giải pháp tiết kiệm này. Điều này cũng phù hợp với chủ trương tiết kiệm chi tiêu ngân sách mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Tại cuộc họp báo về công tác quản lý NSNN 5 tháng đầu năm, nhiều cơ quan báo chí đã đặt các câu hỏi với Bộ Tài chính xung quanh việc NSNN tới đây sẽ phải chi 7,2 tỷ đồng để bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan tới 10 năm, trong khi trách nhiệm của vụ việc này lại là những cán bộ trực tiếp làm trái khiến ông Chấn bị oan sai. Việc xây Văn Miếu tại Vĩnh Phúc bằng nguồn chi ngân sách lên tới hơn 200 tỷ đồng trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn liệu có bảo đảm tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí và việc kiểm soát và điều hành nợ công trong bối cảnh dư nợ tăng cao sẽ được Bộ Tài chính thực hiện như thế nào?… Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, trách nhiệm của Nhà nước là bồi thường cho người bị oan sai theo đúng quy định. Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ có những quyết định xử lý và thu hồi tiền phạt với những cán bộ đã trực tiếp làm trái pháp luật khiến ông Chấn bị oan sai. Mức xử phạt theo quy định từ 1 đến 3 tháng lương và nặng nhất là truy cứu trách nhiệm theo luật hình sự. Đối với vụ xây Văn Miếu tại Vĩnh Phúc, công trình này sử dụng ngân sách địa phương nên thông tin cụ thể sẽ do UBND tỉnh cung cấp theo đúng quy định. Liên quan đến việc xử lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không vượt mức trần cho phép là 65% GDP. Bộ sẽ cơ cấu lại các khoản nợ, tăng các khoản vay trung và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.