(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư 34/2012/TT-BNNPTNT, quy định về điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 3-9-2012. Về quy định này, Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của người dân.
Quy định về điều kiện vệ sinh, bảo đảm ATTP đối với việc kinh doanh trứng gia cầm còn nhiều điểm chưa sát thực tế. Ảnh: Nguyệt Ánh
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học xã hội Việt Nam):Chưa sát thực tế
Tôi thấy nhiều điểm tại Thông tư 34 của Bộ NN&PTNT chưa sát thực tế. Chẳng hạn, các điều khoản tại Chương III quy định về điều kiện vệ sinh, bảo đảm ATTP đối với cơ sở bán lẻ trứng gia cầm. Cụ thể, Điều 20 của thông tư yêu cầu: Trứng được bày bán phải có nguồn gốc rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định; trứng phải được làm sạch, khử trùng, đóng gói, có nhãn mác theo đúng quy định khi bày bán và phải còn trong thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, ở các siêu thị, trung tâm thương mại, các yêu cầu này sẽ dễ dàng được thực hiện và cơ quan chức năng cũng rất dễ kiểm soát; còn tại các chợ, khó có thể thực hiện được. Bởi lẽ, nguồn gốc trứng có khi là trứng gia cầm do gia đình nuôi, hoặc có thể họ mua thu gom từ một số hộ nuôi gia cầm trong làng, trong xóm. Số lượng đàn nhỏ, không nuôi tập trung theo trang trại, việc kiểm tra, cấp chứng nhận kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hay thực hiện khử trùng, đóng gói, dán nhãn mác theo đúng quy định là rất khó thực hiện. Cơ quan thú y có muốn kiểm soát cũng không dễ. Còn nếu làm nghiêm thì không biết phải cần bao nhiêu cán bộ thú y túc trực kiểm tra, xử lý?
Bà Vũ Thị Lành (bán hàng chợNgọc Khánh, quận Ba Đình):Khó thực hiện hiệu quả
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết, sắp tới người bán trứng gia cầm phải có giá, kệ để bày bán trứng; thường xuyên làm sạch và khử trùng nơi bày bán trứng, dụng cụ chứa đựng trứng, nếu không sẽ bị xử lý vi phạm, quả thật rất khó thực hiện. Đó là chưa kể tới quy định bắt buộc người bán hàng phải có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP. Ở chợ Ngọc Khánh, cái gì cũng tạm bợ, chỗ ngồi cũng vậy, chứ có được quy hoạch ngành hàng, có quầy, có sạp như ở các chợ lớn đâu. Hầu hết những người bán trứng gia cầm đều là những người bán hàng nhỏ lẻ; có người bán trứng cùng với bán rau. Có người xếp đủ các loại trứng gia cầm: gà, vịt, chim cút… vào thúng, rổ, rồi quẩy quang gánh mang ra chợ bán.
Chị Nguyễn Thu Hằng (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng):Cần tăng cường kiểm soát thực phẩm "bẩn" từ bên ngoài vào
Phải ghi nhận rằng, với việc ban hành Thông tư 34, Bộ NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, chống thực phẩm bẩn, với mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trong khi hằng ngày còn có không biết bao nhiêu vụ thực phẩm bẩn vẫn qua mặt các cơ quan chức năng từ biên giới tràn vào, đưa về Hà Nội, chế biến thành các món ăn trên bàn nhậu, người dân đặt câu hỏi: Việc kiểm soát trên thực tế đến đâu? Tôi cho rằng, cái mà người dân cần là việc quy định chỉ rõ trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn trên địa bàn. Các cơ quan chức năng hãy làm hết trách nhiệm của mình, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn từ biên giới tràn vào; nghiên cứu đề ra các quy định hợp lý, đừng để xảy ra tình trạng như báo chí đã phản ánh "một quả trứng, 5 lần đóng phí", "rừng" phí đè người nuôi gà; các quy định bất hợp lý "đè" người bán trứng và người tiêu dùng chính là người phải gánh chịu hậu quả.
Ông Trần Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình): Nên điều chỉnh cho phù hợp
Việc kiểm dịch, kiểm tra ATTP của các sản phẩm chăn nuôi là điều hết sức cần thiết đối với mọi nền kinh tế. Bảo đảm nguồn gốc, khử trùng, đóng gói, dán nhãn sản phẩm là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải vì điều đó mà chúng ta lại quá lạm dụng kiểm dịch, đưa ra các quy định bất hợp lý để gây khó khăn cho người dân, người kinh doanh. Tôi hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ NN&PTNT trong cuộc họp triển khai thông tư được tổ chức mới đây: Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.