(HNMO) - Tới 2030, Hà Nội sẽ có 20 bến xe khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đó là mục tiêu được đặt ra trong “Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg.
Để giao thông Thủ đô bền vững - đồng bộ - hiện đại
Cụ thể, theo bản quy họach mới được phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội sẽ thực hiện xây mới, nâng cấp các bến xe khách nội đô và vành đai vệ tinh; tới 2030 Hà Nội sẽ có 20 bến xe khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Mục tiêu quy hoạch là xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững - Đồng bộ - Hiện đại trên cơ sở định hướng của Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ nâng cấp các bên xe hiện có gồm Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm, Thường Tín. Xây dựng mới bến xe khách Xuân Mai thành bến xe cấp 3 kết hợp điểm trung chuyển xe buýt. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ xây mới các bến xe khách liên tỉnh kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt tại mỗi khu vực: Khu đô thị trung tâm gồm: Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Bến xe phía Đông Bắc (Cổ Bi, huyện Gia Lâm),Bến xe phía Nam (Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), Bến xe Đông Anh, Bến xe Phùng (huyện Đan Phượng), Bến xe phía Tây (huyện Quốc Oai), Bến xe phía Bắc (Nội Bài). Các khu đô thị vệ tinh gồm: Bến xe Phú Xuyên, bến xe Xuân Mai, bến xe Nam Hòa Lạc, bến xe Bắc Hòa Lạc, bến xe Sơn Tây 2, bến xe Nam Sóc Sơn, bến xe Bắc Sóc Sơn.
Có thể nói, rất nhiều kỳ vọng về việc giải quyết triệt để tình trạng ách tắc giao thông của Thủ đô đã được đặt vào bản quy hoạch này. Tuy nhiên, nếu như việc xây mới các bến xe không gặp nhiều vấn đề thìlại có khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc thay đổi lưu lượng xe tại các bến, hoặcchấm dứt hoạt động các bến xe khách không nằm trong quy hoạch.
“Không thể làm tốt quy hoạch nếu không quyết tâm”
Đó là nhận xét của một chuyên gia ngành GTVT khi nói về những khó khăn của Hà Nội khi triển khai thực hiện quy hoạch các bến xe khách tại Hà Nội.
Theo chuyên gia này, một điều “lạ” là ai cũng kêu giao thông Hà Nội bất cập. Nhưng khi thành phố triển khai di dời các bến xe không hợp lý, không nằm trong quy hoạch thì lại có những ý kiến băn khoăn, thậm chí bàn lùi. “Theo tôi, Hà Nội cần rất nhiều quyết tâm trong khâu thực hiện. Vì nếu không, chúng ta khó có thể giải quyết rốt ráo vấn đề giao thông cho Thủ đô”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thực tế, đã có rất nhiều quyết định mà Hà Nội thực hiện cho thấy tính hiệu quả đối với hệ thống giao thông dù lúc đầu vấp phải trở ngại từ dư luận. Cụ thể như việc đóng cửa các bến xe Hà Đông, bến xe Kim Mã và mới đây là quyết định đóng cửa bến xe Lương Yên.
Qua quá trình nghiên cứu, phê duyệt các cấp đều thống nhất: việc đóng cửa các bến xe trên là hoàn toàn hợp lý, vì đây đều là những bến xe nằm trong khu vực nội thị, lượng xe ra vào làm gia tăng lưu lượng các phương tiện lưu thông tại các tuyến đường nội đô vốn đã chịu quá nhiều áp lực. Và sau khi Hà Nội quyết tâm triển khai đã cho thấy tính đúng đắn khi cơ bản giải quyết được tình trạng ách tắc giờ cao điểm tại tuyến đường Trần Phú (Hà Đông) hay Kim Mã… Chính vì thế, có thể khẳng định việc đóng cửa bến xe Lương Yên cũng sẽ giải tỏa được tình trạng ùn ứ tại nút giao thông Nguyễn Khoái.
Theo thăm dò, phương án điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên sang sau khi bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra đang nhận được nhiều ủng hộ. Vì việc thực hiện các thủ tục pháp lý đơn giản và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải khi điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới.
Theo Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, khi hình thành quy hoạch bến xe, yếu tố quan trọng nhất là điều chỉnh luồng tuyến phù hợp. Và việc này cũng đòi hỏi Hà Nội quyết tâm không kém. Vì với việc chấm dứt hoạt động của các bến xe không phù hợp với quy hoạch cũng đồng nghĩa với việc phải tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và ủng hộ một chủ trương đúng đắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.