Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cụ thể hóa quyền riêng tư

Hà Phong| 01/07/2014 06:44

(HNM) - Một trong những điểm nhấn của Hiến pháp năm 2013 là

Sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Nam Khánh


Vi phạm quyền riêng tư khá phổ biến

"Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác". Hiến định như vậy mà ứng dụng Ptracker do Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng tạo ra và kinh doanh để truy cập bất hợp pháp vào điện thoại thông minh của người dùng đã khiến hơn 14.000 chủ nhân điện thoại bị chiếm quyền điều khiển. Tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi - đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy... được phần mềm lưu lại, đẩy lên máy chủ chỉ khoảng 5-10 phút sau khi diễn ra sự kiện. Và mọi khách hàng của công ty này có thể xem bằng cách đăng nhập vào tài khoản của họ tại máy chủ thông qua website của Việt Hồng. Xác định đây là vụ việc lớn, tầm ảnh hưởng rộng nên CATP đang tích cực điều tra vụ việc. Song, ngoài vấn đề nóng bỏng kể trên, thực tế vẫn còn vô vàn vụ việc vi phạm quyền riêng tư chưa được xem xét.

Theo ThS Đinh Tiến Dũng - Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc cha mẹ lén đọc nhật ký của con, hay đơn giản hơn là chuyện những chàng lính trẻ đọc trộm thư của nhau cũng là vi phạm quyền riêng tư. Dù vậy, phần lớn những việc ấy vẫn được xã hội dễ dàng cho qua hoặc coi là kỷ niệm của một thời. Liên quan đến lĩnh vực thông tin truyền thông, cũng không ít tờ báo có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, chạy theo lợi nhuận, trào lưu thị hiếu lệch lạc, phát tán thông tin đời tư một cách bất hợp pháp để thu hút độc giả. Việc lộ bí mật đời tư có xu hướng càng trầm trọng hơn đối với các mạng xã hội, khiến không ít bạn trẻ không thể chịu nổi khi cả cộng đồng biết hết chuyện riêng không hay của mình, rơi vào bế tắc, dẫn đến tự tử. Đối với người nổi tiếng, lộ bí mật đời tư không chỉ khiến giảm sút danh dự với khán giả mà còn làm ảnh hưởng đến cả công việc và thu nhập.

Vì vậy, việc phát hiện hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén còn là hồi chuông cảnh báo sự buông lỏng của các cơ quan chức năng với quyền riêng tư. Căn cứ hệ thống pháp luật hiện hành, hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng không những xâm phạm một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể là: "Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác". Hành vi này đã bị CATP Hà Nội khởi tố về tội danh "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet" (Điều 226 BLHS). Theo một số luật sư, nếu có đủ chứng cứ thì các đối tượng liên quan còn có thể bị khởi tố về tội "Xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác" (Điều 125 BLHS).

Hy vọng về bước đột phá

Thực tế hiện nay, đối với việc kinh doanh các thiết bị nghe lén, nghe trộm, chỉ có thể xử phạt về các hành vi liên quan chứ chưa có chế định và chế tài cấm kinh doanh và xử lý về hành vi kinh doanh thiết bị nghe nhìn trộm. Bên cạnh đó, chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền riêng tư nhìn chung còn nhẹ, trong nhiều trường hợp còn nghiêng về xử lý hành chính nên ít mang tính răn đe, giáo dục.

Mặt khác, ThS Đinh Tiến Dũng cho rằng, các quy định về quyền riêng tư còn mang nặng tính nguyên tắc, khái quát, thiếu đồng bộ nên quyền riêng tư đang mang tính hình thức, khó thực thi. Đơn cử Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định cụ thể về quyền bí mật đời tư, tuy nhiên khái niệm "bí mật đời tư" và "quyền bí mật đời tư" chưa được hướng dẫn, giải thích dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Vì pháp luật không quy định rõ ràng bí mật đời tư là gì và phạm vi giới hạn của nó nên rất dễ xảy ra tình trạng công dân không biết đời tư của mình được pháp luật bảo vệ đến đâu, còn tòa án thiếu căn cứ để chứng minh một vụ việc nào đó có là xâm phạm đời tư không? Những lỗ hổng pháp luật về bảo đảm bí mật đời tư khiến việc xâm phạm đời tư diễn ra phức tạp. Không ít ý kiến cho rằng, những thông tin về đời tư phải hợp pháp mới được pháp luật bảo vệ. Do đó, để phát huy quyền con người, quyền công dân được hiến định trong Hiến pháp, cần cụ thể hóa rất nhiều luật. Trước mắt, việc cần làm ngay là cần sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin, sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Báo chí; nghiên cứu cân nhắc xây dựng một văn bản luật chung để điều chỉnh quyền riêng tư của công dân. Có như vậy, hệ thống pháp luật mới dần đạt mục tiêu đồng bộ, khả thi, làm cơ sở triển khai Hiến pháp, nhất là về quyền con người hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cụ thể hóa quyền riêng tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.