Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căn cứ pháp lý để công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

Bảo Hân| 31/03/2020 07:20

(HNMO) - Ngày 30-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Việc công bố dịch trên toàn quốc dựa trên các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.

Như tin đã đưa, một ngày sau khi chủ trì cuộc họp trực tuyến và thị sát tình hình phòng, chống dịch Covid-19 với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chiều 30-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về nội dung này để đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, tăng cường làm việc trực tuyến tại nhà và hạn chế di chuyển tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đáng chú ý, cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đồng ý công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.

Về cơ sở pháp lý của việc công bố dịch, Khoản 2, Điều 38, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch;

Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Quyết định số 173/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra nêu rõ dịch Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Trong khi đó, theo Khoản 1, Điều 2 Quyết định 02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, điều kiện công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A là có ít nhất 1 người bệnh được chẩn đoán xác định. Covid-19 thuộc nhóm bệnh này.

Nội dung công bố dịch gồm: Tên bệnh dịch; thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch; nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch; các biện pháp phòng, chống dịch; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.

Điều 52 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 cũng nêu rõ về các biện pháp chống dịch trong thời gian có dịch. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau:

Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế; Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Trưởng ban Chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại Khoản 1, Điều 51.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căn cứ pháp lý để công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.