Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần coi việc viết lại sách giáo khoa là tất yếu

Lâm Vũ| 17/06/2012 04:33

(HNM) - Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, có chính sách rõ ràng và đầu tư thích đáng cho việc dạy - học tiếng Việt. Nhưng, những nghiên cứu gần đây cho thấy năng lực đọc, nghe, nói, viết tiếng Việt của nhiều học sinh đã ra trường còn rất yếu. Với học sinh dân tộc thiểu số thì vấn đề càng nan giải, tiếng Việt là rào cản khiến nhiều em chán học, bỏ học hoặc học nhưng không hiểu bài...

Cuộc trao đổi của phóng viên Báo Hànộimới với PGS-TS Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Ngôn ngữ học ứng dụng (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) phần nào làm rõ những vấn đề nêu trên.

Bất cập trong nội dung chương trình giảng dạy tiếng Việt

- Vị thế của tiếng Việt hiện ra sao, thưa bà?

- Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, tiếng Việt luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay, dù tiếng Việt xác lập được vị thế quan trọng trong tổng thể chương trình giáo dục nhưng nó không còn giữ vai trò là một môn học độc lập trong chương trình THCS và THPT. Môn tiếng Việt tồn tại như một môn học độc lập ở cấp tiểu học và là một môn bắt buộc trong kì thi hết cấp, cùng với môn toán. Trong khi ở hai cấp học trên, nó được tích hợp cùng với văn học và làm văn để trở thành một phân môn của ngữ văn.

- Đi theo hướng tích hợp, ở Anh, các phân môn như văn học, ngữ pháp, chính tả... lần lượt được đưa vào chương trình, nhờ đó học sinh nắm tiếng Anh rất chắc. Còn cách tổ chức và kết cấu chương trình giảng dạy tiếng Việt của ta thế nào?

- Chương trình ở ta cũng được triển khai theo hướng tích hợp. Trong chương trình THCS và THPT, tiếng Việt được tích hợp với văn học và làm văn bởi mối quan hệ khăng khít giữa ngôn ngữ và văn học. Song cũng chính vì thế mà vai trò của tiếng Việt ở THCS và THPT không còn nổi bật như trong cấp tiểu học, điều này dường như trái ngược với cách thức xây dựng chương trình của người Anh. Trong chương trình giảng dạy quốc gia được áp dụng ở nước này, chính văn học được tích hợp vào môn tiếng Anh. Như vậy, người Anh quan tâm hơn đến việc dạy ngôn ngữ và văn học chỉ là một nội dung trong chương trình tiếng Anh, chủ yếu là trong phân môn đọc.

- Bà đánh giá thế nào về chương trình cải cách theo hướng tích hợp ở nước ta?

- Đối với bậc trung học, việc tích hợp ba phân môn như đã nói ở trên cho thấy chương trình của Việt Nam chú trọng nhiều hơn đến việc học kiến thức, cụ thể là kiến thức về văn học và ngôn ngữ học. Thông qua đó, học sinh có cơ hội rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cách biên soạn chương trình như vậy, dù theo hướng tích hợp nhưng vẫn chỉ là phép cộng đơn thuần của ba phân môn, với sự chú trọng nhiều hơn đến văn học, việc rèn luyện các kỹ năng vẫn chỉ là yêu cầu thứ yếu so với việc thu nhận kiến thức. Do đó, khi kiến thức bị mài mòn theo thời gian thì điểm yếu trong việc vận dụng kỹ năng của môn tiếng Việt sẽ lộ rõ.

- Phân tích chương trình môn tiếng Việt cấp tiểu học và ngữ văn cấp THCS cho thấy chương trình thể hiện tính cập nhật, thực tiễn và khoa học. Vấn đề đặt ra là liệu những kiến thức đưa vào chương trình tiếng Việt phổ thông đã đủ để hình thành cho các em năng lực giao tiếp hay chưa?

- Vừa qua, chúng tôi đã phân loại nội dung kiến thức và kĩ năng được đưa vào chương trình học của từng lớp. Kết quả cho thấy ở 3 lớp đầu, kiến thức chưa được dạy thành bài riêng mà được lồng vào bài thực hành kĩ năng. Nội dung đưa vào giảng dạy ở các lớp này bồi bổ năng lực ngữ pháp, năng lực văn bản và năng lực hành ngôn. Ở các lớp 4, 5 thì thêm kiến thức ngôn ngữ xã hội. Ở bậc THCS, chỉ riêng chính tả và phát âm được đưa vào các tiết thực hành kỹ năng ở các lớp 6 và 7, các kiến thức khác đều có bài học riêng. Môn tiếng Việt ở cấp này tập trung cung cấp năng lực ngữ pháp, năng lực văn bản và năng lực ngôn ngữ xã hội. THPT thì củng cố năng lực ngữ pháp và năng lực văn bản...

- Kết quả khảo sát, phân loại ấy cho phép nhận định chung về chương trình thế nào, thưa bà?

- Có thể thấy rằng các nội dung chương trình tiếng Việt phổ thông hiện nghiêng về cung cấp kiến thức hơn là các hoạt động phát triển kỹ năng, chưa đủ tạo cho người học năng lực giao tiếp như mục tiêu đề ra.

Cần chỉnh lý, bổ sung, thậm chí là viết lại sách giáo khoa

- Theo như tôi biết, Viện Ngôn ngữ học đã tiến hành điều tra thực trạng dạy - học tiếng Việt theo chương trình và sách giáo khoa hiện hành...

- Chúng tôi đã tiến hành điều tra 307 giáo viên, 483 học sinh, 454 phụ huynh và 85 cán bộ quản lý giáo dục ở Quảng Trị (đại diện cho khu vực có học sinh dân tộc thiểu số), Thanh Hóa (đại diện cho khu vực thành thị) và Ninh Bình (đại diện cho khu vực nông thôn) về cấu trúc chương trình tiếng Việt, chuẩn kiến thức và kỹ năng, chiến lược giảng dạy, những yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở giáo viên và học sinh dạy và học tốt môn tiếng Việt.

- Có thể thấy gì từ kết quả điều tra thưa bà?

- Chương trình phù hợp đa số giáo viên nhưng tương đối nặng so với trình độ của học sinh, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Đa số cho rằng ngoài giờ học trên lớp, học sinh vẫn cần học thêm môn tiếng Việt.

- Đó có phải là nhận định chung cho giáo viên và học sinh tất cả các vùng miền, tất cả các cấp học?

- Thực ra, giáo viên thành phố kêu thiếu phương tiện, đồ dùng dạy học; giáo viên nông thôn nhấn mạnh đến trình độ học sinh yếu, thiếu sách tham khảo. Mặc dù giáo viên được tập huấn theo chương trình và sách giáo khoa mới nhưng họ gặp khó khi dạy theo các phương pháp tích cực, hợp tác nhóm. Thực tế, chỉ có các giáo viên tiểu học là tích cực sử dụng phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm và phương pháp kiểm tra đa dạng, còn các giáo viên THCS và THPT vẫn sử dụng phương pháp dạy truyền thống lấy thuyết giảng làm chủ yếu, tự luận là hình thức kiểm tra cơ bản và đây cũng là hình thức ít được các em ưa thích.

- Theo kết quả điều tra, học sinh có hứng thú với việc học tiếng Việt không, thưa bà?

- Các em tỏ ra hứng thú với các hoạt động ngôn ngữ nhưng rất tiếc là phương pháp này ít được giáo viên sử dụng. Trong số không thích học môn tiếng Việt, tỷ lệ học sinh người Kinh cao hơn. Lý do là môn này khó, thầy cô giảng không hấp dẫn.

- Theo bà, phải làm gì để việc dạy, học tiếng Việt trong nhà trường đạt hiệu quả?

- Để học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Việt, chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt cần được tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, thậm chí cần được viết lại. Trên thế giới, vòng đời của một cuốn sách giáo khoa thường là 10 năm. Ngôn ngữ luôn thay đổi, nhận thức của chúng ta cũng thay đổi và chính xã hội cũng không ngừng đổi thay. Vì vậy, việc rà soát, chỉnh sửa và làm mới chương trình, sách giáo khoa là tất yếu.

- Nếu phải chỉnh lý, sửa đổi thì cần thực hiện trên nguyên tắc gì?

- Hiện tại, chương trình tiếng Việt vẫn chưa chú trọng nhiều đến rèn luyện kỹ năng. Coi trọng rèn luyện kỹ năng thì chiến lược biên soạn chương trình cần thay đổi, phải xuất phát từ các chuẩn mực hoặc mục tiêu cần đạt về kỹ năng để xác định nội dung cần dạy và dạy như thế nào. Việc dùng chung một bộ sách đã bộc lộ bất cập, không phù hợp với nhiều trình độ học sinh khác nhau. Theo tôi, nên xây dựng cơ chế cho phép biên soạn nhiều bộ sách dạy - học tiếng Việt trên cơ sở chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, trao quyền cho các địa phương được lựa chọn bộ sách phù hợp.

Tiếng Việt, rào cản ngôn ngữ đối với học sinh dân tộc thiểu số

- Tình hình dạy tiếng Việt ở vùng dân tộc thiểu số hiện ra sao, thưa bà?

- Đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen với nhau hoặc sống biệt lập. Do đặc điểm về cảnh huống ngôn ngữ như vậy nên năng lực tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của học sinh không đồng đều. Những em sống xen kẽ với người Kinh có trình độ tiếng Việt tốt hơn. Nhưng những em ít tiếp xúc với người Kinh thì hầu như không biết tiếng Việt trước khi tới trường.

- Nói vậy thì học sinh dân tộc thiểu số khi học theo chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt chung sẽ gặp khó khăn. Nó có ảnh hưởng thế nào tới việc học nói chung?

- Đúng vậy. Kết quả đánh giá trình độ phát triển nhận thức và ngôn ngữ của dự án "Những cuộc đời trẻ thơ" do Tổng cục Thống kê và Quỹ Cứu trợ trẻ em Anh thực hiện đã cung cấp một bằng chứng thuyết phục về ảnh hưởng của năng lực tiếng Việt đối với kết quả học môn toán (kỹ năng nhận thức) và tiếng Việt (kỹ năng ngôn ngữ) của học sinh dân tộc thiểu số. Điều đáng chú ý là trẻ em dân tộc thiểu số có chỉ số phát triển nhận thức và ngôn ngữ kém hơn trẻ em cùng lứa tuổi trong cả nước. Rào cản ngôn ngữ là một trở ngại lớn cho sự phát triển kỹ năng tư duy và ngôn ngữ của trẻ em dân tộc thiểu số cũng như ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của các em, không phải chỉ ở các lớp đầu cấp, mà còn cả ở những bậc học cao.

- Bà đánh giá thế nào về một số giải pháp hiện đang được triển khai nhằm giúp trẻ dân tộc thiểu số khắc phục vấn đề rào cản ngôn ngữ?

- Hiện tại, ở ta có 4 nhóm giải pháp đang được triển khai thí điểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng các nhóm giải pháp này chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là chiến lược giúp học sinh dân tộc thiểu số vượt qua rào cản ngôn ngữ một cách bền vững.

- Bà có thể nói cụ thể hơn?

- Ví dụ như việc dạy tiếng Việt theo phương pháp của Trung tâm Công nghệ giáo dục đang được triển khai ở Lào Cai, Sơn La, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Kon Tum và Đắk Lắk. Phương pháp này không chủ trương dạy song ngữ mà dạy thẳng tiếng Việt cho trẻ em không biết tiếng Việt. Phương pháp này nhận được sự ủng hộ của một số cán bộ giáo dục vì nó giúp trẻ thiểu số đọc trôi chảy. Tuy nhiên, một số giáo viên địa phương lại cho rằng phương pháp này thực sự làm khó học sinh dân tộc vì chúng chỉ "đọc vẹt" chứ không hiểu nghĩa những gì chúng đọc. Ngôn ngữ là công cụ giúp trẻ tiếp nhận tri thức và phát triển năng lực nhận thức, phương pháp này đi ngược lại các nguyên tắc dạy và học ngôn ngữ thứ hai, không dựa vào những kinh nghiệm có sẵn của trẻ trong tiếng mẹ đẻ và hoàn toàn không chú ý giúp trẻ phát triển năng lực giao tiếp.

- Có thể làm gì để việc dạy - học trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn?

- Trước hết, cần điều tra và phân loại tình hình sử dụng ngôn ngữ và năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số ở từng vùng. Theo tôi, tùy thuộc vào năng lực tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số và cảnh huống song/đa ngữ ở từng nơi mà ta áp dụng một cách linh hoạt những chiến lược giáo dục ngôn ngữ khác nhau.

Việc áp dụng các giải pháp giáo dục ngôn ngữ cần được tiến hành một cách thận trọng. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành thử nghiệm một số giải pháp giáo dục ngôn ngữ đối với vùng dân tộc thiểu số, một số giải pháp không hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu giúp trẻ khắc phục rào cản ngôn ngữ, một số gặp vướng mắc kỹ thuật. Để có các giải pháp phù hợp, các chương trình thử nghiệm cần có sự tham gia nhiều hơn nữa từ các nhà ngôn ngữ học. Cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc các giải pháp hiện hành để tìm kiếm con đường hiệu quả, phù hợp với từng vùng, miền cụ thể. Đó là vấn đề cấp bách hiện nay.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần coi việc viết lại sách giáo khoa là tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.