Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có một nền văn học vì sinh thái toàn diện

Vân Hạ| 11/06/2020 16:05

(HNMCT) - Vấn đề bảo vệ sinh thái, môi trường đang được đặt ra một cách bức thiết. Trong cuộc chiến bảo vệ môi trường ấy, văn học có thể làm gì và đã làm được những gì?

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế, người đã có nhiều nghiên cứu về văn học sinh thái.

- Nhắc đến văn học sinh thái, nhiều bạn đọc nghĩ đến những trang viết về thiên nhiên, môi trường, hiểu như vậy có đúng không? Khái niệm văn học sinh thái và đặc trưng của nó là gì, thưa bà?

- Cảm ơn về một câu hỏi hay! Nhắc đến văn học sinh thái, nhiều người nghĩ ngay đến những trang viết về thiên nhiên, môi trường. Điều đó có phần đúng, nhưng chưa đủ và dễ gây hiểu lầm. Văn học miêu tả thiên nhiên có từ xa xưa, gắn với văn minh nông nghiệp cổ. Văn học sinh thái gắn với văn minh công nghiệp, ra đời vào năm 1962, khi Rachel Carson xuất bản tác phẩm Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring).

Đề tài của văn học sinh thái rất rộng. Tác phẩm có thể không miêu tả cảnh vật tự nhiên, thể hiện tình yêu tự nhiên nhưng chỉ cần có thái độ không đồng tình với các hành vi phá hoại sinh thái, phơi bày căn nguyên văn hóa tư tưởng của nguy cơ sinh thái là có thể được xem là văn học sinh thái. Nói như Giáo sư Lawrence Buell của Đại học Harvard, đó là nền văn học “viết vì một thế giới lâm nguy”. Vì thế, không nên đồng nhất văn học miêu tả tự nhiên với văn học sinh thái.

Theo các nhà nghiên cứu, văn học sinh thái “là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái”.

Một tác phẩm văn học sinh thái cần có những đặc trưng sau: Phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm và sự cực đoan hóa chủ nghĩa sinh thái trung tâm; lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm lợi ích cao nhất, kêu gọi tinh thần “chủ nghĩa nhân văn sinh thái”; nhấn mạnh “nơi chốn” và “ý thức nơi chốn”; kết hợp “tính khoa học” và “tính văn học”; có trách nhiệm sinh thái, phê phán mặt trái của văn minh, thể hiện lý tưởng sinh thái và cảnh báo nguy cơ sinh thái.

- Theo bà, tác giả - tác phẩm nào là những viên gạch đầu tiên của dòng văn học sinh thái Việt?

- Từ xa xưa đã có nhiều tác phẩm viết về thiên nhiên, đặc biệt là trong ca dao và thơ ca trung đại. Tuy nhiên, những tác phẩm đó lấy con người làm trung tâm, thiên nhiên chỉ là phương tiện nghệ thuật để thể hiện, ẩn dụ, ám chỉ, tượng trưng cho thế giới nội tâm và đặc trưng nhân cách con người. Nghĩa là nhà văn dùng/mượn/lợi dụng thiên nhiên để “tải đạo” hoặc “ngôn chí”. Vì thế, không thể coi đó là tác phẩm văn học sinh thái. Hoặc những trang viết về nông thôn/đồng quê nhưng lại chỉ là sự khắc họa về thôn quê nhàn tản, thanh thản, bình yên mà bỏ qua sự cực nhọc của lao động, sự khắc nghiệt của cuộc sinh tồn với đất đai. Điều đó dẫn đến sự ngộ nhận về sinh thái.

Với tư liệu hiện có, tôi cho rằng, văn học sinh thái Việt Nam ra đời vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Sống mãi với cây xanh, Trần Duy Phiên với bộ ba truyện ngắn Kiến và người, Mối và người, Nhện và người cùng tiểu thuyết Trăm năm còn lại là những viên gạch đầu tiên của văn học sinh thái Việt Nam.

Ngoài ra, những sáng tác thuộc dòng “văn học da cam” cũng có sự giao thoa với văn học sinh thái khi đề cập nhiều đến sự tàn phá môi trường của chất độc dioxin với những khu rừng xác xơ trụi lá, những mái đầu rụng hết tóc của các nữ thanh niên xung phong, những đứa con không rõ hình hài của các cựu chiến binh...

Ở các tác phẩm phản ánh đời sống đương đại, những đề tài xoáy vào lối khai thác cạn kiệt, đời sống mạo hiểm của “xã hội đen” như một dạng “tiểu thuyết đường rừng”, vào chiến công và sự hy sinh của những anh hùng thời bình trong cuộc chiến bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hay sự tương tác giữa tính cách con người và môi trường sống... đã chạm đến lãnh địa của văn học sinh thái. Tuy nhiên, mục đích hướng đến của các nhà văn vẫn là “nhân loại trung tâm”. Ngược lại, tôn chỉ sáng tác của văn học sinh thái phải là “sinh thái trung tâm”, “trái đất trung tâm”.

- Trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, văn học Việt Nam có thể làm gì và đã làm được những gì, thưa bà?

- Trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, văn học thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể làm thay đổi nhận thức của nhân loại về trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với tự nhiên, khẩn thiết kêu gọi bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái, ca ngợi sự hy sinh vì lợi ích của chỉnh thể sinh thái, cảnh báo nhân loại về các nguy cơ sinh thái...

Đó là những gì văn học sinh thái có thể làm, còn đã làm được những gì thì chưa thể khẳng định, bởi vì để trả lời câu hỏi này, cần có một cuộc điều tra xã hội học văn học về ảnh hưởng của văn học sinh thái đến công cuộc bảo vệ môi trường.  

- Phải chăng đề tài sinh thái chưa nhận được quan tâm đúng mức, thưa bà?

- Đúng vậy! Số tác giả quan tâm đến vấn đề sinh thái rất hiếm. Ngoài Trần Bảo Định, Đỗ Phấn, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Văn Học... chú ý đến nguy cơ sinh thái, một số nhà văn khác chỉ “tình cờ” chạm vào nguy cơ này khi chuyển tải những vấn đề xã hội khác.

Vì vậy, tôi rất tâm đắc với trăn trở của Giáo sư Huỳnh Như Phương: “Trong cuộc đấu tranh vì một môi trường sống hòa hợp với con người, văn học đã làm được gì? Phải chăng văn học vẫn còn bàng quan với chuyện sống còn này? Hình như văn học cho đây là một đề tài tầm thường hay ít ra chưa phải là ưu tiên số một so với những vấn đề cao siêu đáng để tâm hơn nhiều?”. 

- Theo bà, chúng ta nên làm gì để thu hút các tác giả đến với đề tài sinh thái, môi trường, đặc biệt là các cây viết trẻ?

- Cần phải có một chiến lược lớn và đồng bộ. Lý thuyết liên quan đến văn học sinh thái, các tác phẩm văn học sinh thái xuất sắc trên thế giới cần được dịch, giới thiệu rộng rãi. Các hội đoàn, các tổ chức nên đưa đề tài sinh thái vào những cuộc thi sáng tác, trại sáng tác. Các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo cần triển khai đề tài khoa học gắn với lý thuyết phê bình sinh thái. Nghĩa là chúng ta cần có một nền văn học vì sinh thái toàn diện từ khâu sáng tác đến khâu nghiên cứu. Tuy nhiên, nhận thức và ý thức của nhà văn mới là điều quan trọng nhất. Các nhà văn cần chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ giữa văn học với môi trường sinh thái; trách nhiệm của nhà văn với giới tự nhiên và sự an nguy, sự tồn vong của dân tộc, nhân loại.

- Vai trò của văn chương quan trọng như thế nào đối với sự thức tỉnh của con người trước sự tàn phá môi trường hiện nay?

- Bằng thế giới hình tượng và những rung cảm thẩm mỹ, văn chương có thể giúp con người “lắng nghe tiếng khóc của trái đất” để từ đó, họ có thể thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình đối với thế giới tự nhiên. 

- Giáo dục lớp trẻ là điều hết sức quan trọng. Theo bà, chương trình dạy ngữ văn trong nhà trường đã dành thời lượng hợp lý đến các vấn đề sinh thái, môi trường hay chưa?

- Xin trả lời ngay là chưa hợp lý. Hiện nay, có bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ và Thông tin về ngày Trái đất năm 2000 được giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp Trung học cơ sở. Cấp Trung học phổ thông thì chưa có chủ đề văn học sinh thái. Tôi hy vọng những nhà biên soạn chương trình và sách giáo khoa không bỏ sót chủ đề này.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có một nền văn học vì sinh thái toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.