Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căn cơ là duy trì việc làm bền vững, thu hút người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội

Hà Phong| 14/03/2023 12:20

(HNMO) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10-2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Ngoài đề xuất bổ sung nhóm đóng BHXH bắt buộc, dự luật đưa ra hai phương án rút BHXH một lần, đang được người lao động, chuyên gia pháp lý đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án cũng có mặt được và mất, căn cơ là duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất. Có như vậy, mới thu hút được người lao động gắn bó với BHXH.

Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích khi tham gia BHXH.

Áp lực về tài chính đối với lao động trẻ

Tính đến hết tháng 1-2023, cả nước có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó, khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm, gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Cũng theo thống kê, người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%). Nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%... Như vậy, người hưởng BHXH một lần từ trên 20-40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút.

Từ số liệu phân tích trên, có thể thấy, ở giai đoạn còn trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm nữa, do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ. 

Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, thông tin từ 44 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiện có 500 nghìn người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42 nghìn lao động bị mất việc, tương đương 100 nghìn người bị ảnh hưởng. Trong số này có 31 nghìn lao động nữ trên 35 tuổi; 10 nghìn lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang bầu.

Điều tra gần đây của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, 42% người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; 59% không có tích lũy; 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng, 16,7% có tích lũy, duy trì từ 1-3 tháng; 12,7% có tích lũy, có thể "cầm cự" trên 3 tháng. Ngoài ra, 38% công nhân đang nợ nần, trong số này có 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn.

Mục tiêu của BHXH là đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân, nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, cơ quan này đã đưa ra hai phương án đề xuất về hưởng BHXH 1 lần tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. Trong đó, phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, bổ sung nhóm đóng BHXH bắt buộc.

Cân nhắc kỹ lưỡng

Đón nhận thông tin trên, chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân thuê trọ tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho rằng, phương án 1, thiệt hại về lâu dài khi người lao động nghỉ hưởng BHXH một lần khó có thể tích lũy được thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc không đủ để hưởng với tỷ lệ hưởng cao. Do không có sửa đổi về chính sách cho nên không thể hạn chế tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động này đến khi nghỉ hưu. Ngoài ra, theo chị Hoài, nếu theo phương án 2, sau này rút 50% còn lại thì giá trị đồng tiền bị giảm đi, nên cũng chưa thực sự hấp dẫn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nêu quan điểm, phương án thứ nhất cho rút như hiện nay sẽ rất nguy hiểm. Người lao động lấy ra dùng hôm nay nhưng sẽ không lo được cho mai sau. Cần tăng cường truyền thông để họ thấy được lợi ích khi tham gia BHXH hưu trí, đây là chính sách an sinh xã hội lâu dài. Qua đó, người lao động hiểu được rằng, khi không quá khó khăn, họ phải cố gắng duy trì tham gia BHXH, để sau này có lương hưu. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đảm bảo thực thi pháp luật để người lao động có niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội.

Với phương án thứ hai chỉ được rút 50% BHXH một lần, ông Lợi cho biết, đề xuất này tốt cho hiện nay. Bởi, khó khăn hôm nay có thể là trước mắt còn lâu dài sẽ còn khó khăn nữa, vì thế việc đề xuất cho rút 50% còn giữ lại 50% là hợp lý. Số 50% giữ lại này sẽ được bảo lưu, không mất đi và sẽ vẫn tăng lên khi mang đi đầu tư. Không may người lao động mất thì vẫn được hưởng mai táng phí, lấy lại tiền này hoặc lấy tuất thường cho bố mẹ hết tuổi lao động, con chưa đến tuổi lao động.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, bản chất của BHXH một lần là giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động khi mất việc làm. Để hạn chế tình trạng trên, ông Quảng cho rằng, căn cơ là duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn. Bởi, tất cả trường hợp rút BHXH một lần khi mất việc làm. Còn khi vẫn có công ăn, việc làm, không ai nhận BHXH một lần. 

Một nguyên nhân dẫn đến việc rút BHXH một lần, luật gia Lê Quang Vững phân tích, có nhiều người lao động chưa có niềm tin vào hệ thống an sinh. Nhiều trường hợp người lao động không được giải quyết chế độ do doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH. Do đó, cần nâng mức phạt doanh nghiệp trốn đóng BHXH để tạo niềm tin cho người lao động.Tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, người lao động, tổ chức công đoàn để trao đổi, thảo luận tình hình khó khăn của doanh nghiệp, người lao động và lắng nghe, kiến nghị từ các bên để đưa ra các giải pháp khắc phục, vượt qua khó khăn...

Ngoài ra, theo ông Lê Quang Vững, giải pháp hạn chế người lao động rút BHXH một lần không thể chỉ đến từ việc siết điều kiện hưởng, mà cần đến từ việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Nên chăng giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 18 hay 15 năm, có thêm những gói vay ưu đãi cho người lao động. Khi người lao động sớm nhận được các quyền lợi từ hệ thống an sinh, thay vì kéo dài thời gian đóng họ sẽ mặn mà hơn với BHXH.

Thực tế trên cho thấy, mỗi phương án đều có thuận lợi và bất cập, vì vậy, cần cân đối tổng thể. Chọn phương án nào cũng cần có các giải pháp hấp dẫn, tăng cường kèm theo nhằm tuân thủ theo mục tiêu giảm thiểu tình trạng người lao động nhận BHXH một lần, đẩy mạnh giám sát, tăng cường quyền lợi cho người lao động để ở lại trong hệ thống. Có như vậy, mới thu hút được người lao động gắn bó với BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căn cơ là duy trì việc làm bền vững, thu hút người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.