Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế phù hợp

Hữu Hoài| 31/08/2011 07:11

(HNM) - Phát triển công nghiệp được coi là hướng đi mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn, nhưng do bất cập về cơ chế, chính sách nên nhiều người dân chưa được hưởng lợi từ các hoạt động khuyến công.


Tiếp sức cho làng nghề


Hướng dẫn nâng cao tay nghề tại làng nghề Phú Túc, huyện  Phú Xuyên. Ảnh: Thái Hiền

Trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội đứng trước nguy cơ bị mai một, trong khi đó một số nơi điều kiện phát triển kinh tế khó khăn do "trống" ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhưng nhờ đẩy mạnh các chương trình khuyến công đào tạo nghề, nhiều lao động ở nông thôn đã có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Qua đây có thể khẳng định phần nào tính ưu việt của hoạt động khuyến công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ông Vương Đăng Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, hoạt động khuyến công ở Hà Nội không dừng lại ở việc truyền nghề, nâng cao tay nghề, mà đã chú trọng hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nông thôn và làng nghề nhân cấy nghề mới, nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ lành nghề. Hà Nội đặt mục tiêu có 50% tổng số lao động ở nông thôn được đào tạo nghề, từ đó giải quyết việc làm mới cho 140-150 nghìn lao động mỗi năm, bổ sung nguồn nhân lực cho sản xuất, góp sức cùng doanh nghiệp phát triển làng nghề.

Nhận xét về mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp làng nghề và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, ông Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn, chuyên sản xuất, thu gom các sản phẩm cỏ tế, mây tre đan xuất khẩu tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho hay: "Mô hình này gắn với các cơ sở công nghiệp nông thôn có nhu cầu về lao động, bảo đảm đầu ra cho hoạt động đào tạo nghề, làm ra sản phẩm theo chương trình của khuyến công, hiệu quả và mang tính thực tiễn cao". Sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp làng nghề và nông dân đã tạo ra những hiệu quả to lớn trong đào tạo nghề, giúp người lao động và các cơ sở doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên cho rằng: "Công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn đã thúc đẩy sự phát triển nguồn lực lao động công nghiệp có trình độ và tay nghề ở nông thôn". Ông Lê Văn Ất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Dệt may Quang Hùng (doanh nghiệp làng nghề may màn tuyn xuất khẩu xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) đưa ra quan điểm, mỗi mô hình, mỗi chương trình đào tạo đều được gắn với nhu cầu thực tế về lao động và việc làm của làng nghề, của doanh nghiệp, là cơ sở bảo đảm tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo cao.

Thiếu kinh phí hoạt động

Hiệu quả của hoạt động khuyến công trên địa bàn là rất rõ, góp phần gia tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế địa phương. Hoạt động này còn có ý nghĩa lớn hơn khi thực sự tạo việc làm có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn bằng chính những ngành nghề đã đào tạo. Tuy nhiên, hoạt động này lại đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí, sự đầu tư của trung ương và địa phương còn hạn chế. Thêm vào đó, nhận thức về hiệu quả của hoạt động khuyến công ở một số nơi còn thấp, vì vậy nhiều người chưa được hưởng lợi từ các chương trình này. Thậm chí, đến nay, có những địa phương trên địa bàn Hà Nội chưa được tiếp cận với kinh phí từ hoạt động khuyến công. Ngay việc đăng ký để mở lớp dạy nghề cũng khó khăn, chưa nói đến việc nhân cấy nghề mới tại một số địa phương còn "trống" nghề tiểu thủ công nghiệp. Năm 2011, toàn thành phố mở được 79 lớp khuyến công ở các địa phương và 19 lớp khuyến công ở cấp trung ương, bình quân mỗi huyện, thị xã chỉ mở được 3-4 lớp đào tạo nghề cho nông dân, trong khi đó qua khảo sát thực tế thì mỗi huyện cần tối thiểu từ 12 lớp trở lên. Kinh phí dành cho việc mở lớp cũng quá thấp, khoảng 50 triệu đồng/lớp, thời gian học trong vòng 3 tháng, trong khi còn hàng loạt chi phí kèm theo như tiền chi trả cho giáo viên giảng dạy, nguyên vật liệu trong quá trình học tập...

Ông Vương Đăng Hoa cho rằng, mặc dù hoạt động khuyến công mang tính chất bề nổi, làm "mồi" trong công tác truyền nghề, nhưng muốn phát huy hiệu quả để người dân được hưởng lợi từ hoạt động này thì trước hết phải thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề. Quan trọng hơn, thành phố cần quan tâm bổ sung kinh phí để mở thêm lớp học, ưu tiên các vùng sâu, vùng xa. Có như vậy mới đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2015 bình quân từ 20-25%/năm và đời sống của lao động nông thôn cũng sẽ được cải thiện đồng đều, bảo đảm được an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.