Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu

Tư Đô| 29/01/2018 06:23

(HNM) - Ngay những ngày đầu năm 2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án kinh tế, liên quan đến nhiều bị cáo nguyên là cán bộ giữ trọng trách tại các đơn vị kinh tế lớn.


Từ nội dung các vụ án đến diễn biến tại phiên tòa cho thấy, số vốn lớn của nhà nước đã bị thất thoát vì được trao vào tay những người thiếu trách nhiệm, cố ý sai phạm. Điều này đặt ra yêu cầu cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (áo sẫm) đối chất cùng bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong vụ án xảy ra tại PVP Land. Ảnh: TTVXN


Lỗ hổng quyền lực

Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)" theo đánh giá của cơ quan công tố là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị kinh tế quan trọng, được Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình trọng điểm của quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì động cơ khác nhau, các bị cáo đã cố ý làm trái những quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, thậm chí còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng không đúng mục đích, chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Vì sao hàng nghìn tỷ đồng vốn của Nhà nước lại được tạm ứng dễ dàng và sử dụng sai quy định? Trước hết, đó là vì quyền lực trong tay bị cáo Đinh La Thăng quá lớn, không có sự giám sát. Các bị cáo khai trước tòa, do bị Đinh La Thăng thúc ép, thậm chí quát mắng nên phải ký những văn bản sai quy định với số tiền lên đến hàng triệu USD, hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền ấy khi đến PVC lại do một tay Trịnh Xuân Thanh quyết định sử dụng sai mục đích, không được đưa vào thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Còn trong vụ án "Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land)", cũng một mình Trịnh Xuân Thanh quyết định việc bán cổ phần dưới giá thỏa thuận, để rồi cùng đồng phạm chiếm đoạt 49 tỷ đồng chia nhau.

Cụ thể, theo điều tra của cơ quan công an, từ tháng 1-2010, Trịnh Xuân Thanh đã được cấp dưới báo cáo và đề xuất xin chủ trương cho thoái vốn dự án Nam Đàn Plaza. Nhưng tại cuộc họp ngày 10-2-2010 do Trịnh Xuân Thanh chủ trì lại bàn về phương án triển khai dự án này. Tại đây, các thành viên tham dự cuộc họp và Trịnh Xuân Thanh đều được nghe đại diện PVP Land báo cáo tổng mức đầu tư dự án là 220 triệu USD, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD. Trên cơ sở giá đất, các thành viên tham gia cuộc họp đều hiểu đơn giá đất là khoảng 52 triệu đồng/m2.

Đến đầu tháng 4-2010, PVP Land tiếp tục đề xuất phương án thoái vốn với giá 34 triệu đồng/m2. Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý, ký nghị quyết phê duyệt phương án chuyển nhượng với giá 34 triệu đồng/m2. Không ai trong ban lãnh đạo PVC, PVP Land có phản ứng, trái lại, một số đối tượng đã trục lợi từ phi vụ này...

Để cán bộ không muốn làm người sai phạm


Nhìn lại những vụ án trên, dư luận băn khoăn về hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra từ nhiều năm trước nhưng không được phát hiện kịp thời. Đáng nói, người có sai phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng tiếp tục được đề bạt, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Điều này đúng như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tổ chức xây dựng Đảng vừa qua, là: Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực...

Như trong vụ án tại PVP Land, trước tòa, Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng kêu oan vì “đã trả lại tiền từ 8 năm trước”. Đó là khi vụ án “lừa đảo” ở dự án Thanh Hà - CIENCO 5 liên quan đến bị cáo Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa bị phát giác. Khi đó, biết số tiền phi pháp nhận được có nguy cơ bị lộ, các bị cáo trên đã vội vàng trả lại, cố ý giấu giếm hành vi. Hành vi của Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và các bị cáo khác chỉ được tòa án phát hiện tại phiên xét xử phúc thẩm (lần 2) vụ án “lừa đảo” của Lê Hòa Bình vào tháng 3-2017, sau 7 năm.

Tương tự, gần đây nhất, việc cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, bắt giữ Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin) vì cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Vinashin gửi vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt 105,583 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Điều đáng nói, ông Nguyễn Ngọc Sự khi còn là Phó Tổng Giám đốc PVN đã ký văn bản số 140B/CVNB-NNS gửi Hội đồng quản trị báo cáo kết quả đàm phán và kèm theo báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của OceanBank, trong đó đã nêu rõ thực trạng, ngân hàng này có quy mô nhỏ, vốn và tiềm lực tài chính thấp.

Thời điểm đó, văn bản này bị phớt lờ và ông Đinh La Thăng vẫn quyết đưa 800 tỷ đồng của nhà nước góp vốn cho OceanBank. Số tiền này bị cho là mất trắng, nhưng ông Đinh La Thăng tiếp tục thăng tiến và ông Nguyễn Ngọc Sự cũng vẫn được bổ nhiệm...

Rõ ràng, việc khám phá những vụ án kinh tế lớn, liên quan đến cán bộ có hiểu biết tài chính là điều không dễ dàng. Hầu hết các vụ án được phát hiện khi hậu quả đã xảy ra, thậm chí hậu quả lớn và kéo dài, gây bức xúc. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để cán bộ không dám làm, không muốn làm người sai phạm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.

Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm và xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân, song, hậu quả của những hành vi phạm tội của bị cáo và đồng phạm chắc chắn không thể khắc phục được hết. Nếu như bị cáo nhận thức được trách nhiệm đó khi đang nắm quyền tuyệt đối ở một đơn vị kinh tế lớn của đất nước, nếu những hành vi sai phạm của bị cáo được phát hiện, thẳng thắn chỉ rõ, ngăn chặn hiệu quả và kịp thời thì không có kết cục buồn như hiện nay...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.