(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch gắn liền với nâng cấp, cải tạo các khu dân cư hiện hữu dọc hai bên bờ kênh.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có gần 22.000 căn nhà ở trên và ven khoảng 57 tuyến kênh rạch cần được di dời. Theo kế hoạch, thành phố sẽ chia làm ba nhóm triển khai di dời nhà ven kênh, chỉnh trang đô thị.
Nhóm một gồm 52 dự án với khoảng 14.400 căn, kinh phí bồi thường và tái định cư gần 22.400 tỷ đồng.
Nhóm hai được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tập trung tại 3 tuyến kênh, di dời khoảng 1.800 căn, kinh phí dự kiến hơn 2.700 tỷ đồng.
Riêng nhóm ba thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 6 dự án tại quận 7, 8 và Bình Thạnh, di dời hơn 6.200 căn, kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng.
Ngoài nguyên nhân khó khăn về vốn, việc chậm giải tỏa, di dời nhà ven kênh rạch còn do nhiều vướng mắc về phương án giải tỏa, di dời và tái định cư. Theo ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4, khó khăn hiện nay là không có quỹ nhà tái định cư để thực hiện di dời khoảng 1.700 căn nhà.
Trong đó có tới 40% là nhà nhỏ có diện tích từ 10 đến 20m2. Như vậy, mỗi hộ dân chỉ nhận được tiền bồi thường trên dưới 100 triệu đồng, trong khi lại có tới 5 đến 10 nhân khẩu/hộ nên không đủ tiền mua nhà tái định cư. Chưa kể, do người dân đã quen với việc sinh hoạt, buôn bán tại nơi ở cũ, khi chuyển về nơi tái định cư khó tìm được công việc phù hợp.
Để giải quyết bài toán về kinh phí, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố cho rằng, trước mắt, thành phố cần tập trung thực hiện những dự án đơn giản, nếu không làm nhanh sẽ không đạt được kế hoạch đề ra vì chương trình chỉnh trang đô thị sẽ kết thúc giai đoạn đầu vào năm 2020.
Theo các chuyên gia xây dựng đô thị, thành phố nên có cơ chế đặc biệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án có nhà ven và trên kênh rạch. Trong đó có chính sách hỗ trợ đặc biệt các hộ dân có nhà diện tích nhỏ. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận của người dân để công tác di dời được tiến hành thuận lợi và sớm ổn định cuộc sống.
Về giải pháp thời gian tới, theo Sở Xây dựng thành phố, để có quỹ nhà phục vụ tái định cư thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, Sở sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện tập trung phát triển 11.000 căn nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng thành phố sẽ theo dõi và thúc đẩy tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại, bảo đảm cung cấp hơn 38.000 căn hộ và nền đất cho các gia đình, cá nhân đủ điều kiện bồi thường, tiền bồi thường cao hơn giá thương mại để có thể chủ động và tự chọn nơi ở mới.
Mới đây, tại cuộc họp về chỉnh trang đô thị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm, với việc tái định cư và bồi thường giải phóng mặt bằng nhà trên, ven kênh rạch không có cơ sở pháp lý rõ ràng, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện vận dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ hợp lý, tính toán đồng bộ việc bố trí tái định cư, gắn việc di dời nhà ở ven kênh rạch với việc ổn định đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần thận trọng từng bước. Với các căn nhà trên và ven kênh rạch thiếu tính pháp lý cần phải khảo sát thật kỹ để có giải pháp hài hòa, bảo đảm việc ổn định đời sống của các hộ dân.
Hiện TP Hồ Chí Minh đã bồi thường và di dời khoảng hơn 36.000 căn nhà trên và ven kênh thông qua việc thực hiện các dự án như: Dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ;... Từ đó góp phần rất lớn vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.