(HNM) - Nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được thành phố Hà Nội tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các nội dung đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Thủ đô. Do đó, cần có chính sách đặc thù đầu tư cho lĩnh vực này…
Hà Nội có số lượng di tích đứng đầu cả nước, gồm 5.922 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới. Song, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, bề dày văn hóa lịch sử Thủ đô.
Chứng kiến hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để bảo đảm văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tạo ra khung pháp lý cho việc hoạch định các chính sách đặc thù đầu tư cho phát triển, bảo tồn di sản văn hóa ở một số mặt hoạt động. Trong đó, có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân lực quản lý văn hóa. Vấn đề sở hữu về đất đai thuộc di tích phải cụ thể, rõ ràng. Các di tích thuộc sở hữu của dòng họ, hay các di tích là thiết chế tôn giáo tín ngưỡng sau khi được xếp hạng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ do ai đứng tên là câu hỏi cần có lời giải.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cũng cho rằng, với tư cách là thành viên tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ưu tiên cho phát triển du lịch văn hóa, sinh thái và du lịch cộng đồng trên nền tảng “kinh tế nông nghiệp” ở các vùng quê ngoại thành. Hệ thống sông, hồ của Hà Nội cũng là những yếu tố quan trọng tạo nên diện mạo, sức sống đặc thù; đã đến lúc phải có cơ chế, chính sách đặc thù làm sống lại, thức tỉnh các chức năng, thế mạnh của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và sông Nhuệ để tạo lập những cảnh quan sinh thái điển hình dọc theo đôi bờ các dòng sông lớn.
Nêu quan điểm nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn hẹp, chủ yếu từ ngân sách nhà nước; thành phố sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiều di sản văn hóa vật thể trên địa bàn Thủ đô bị xuống cấp, hư hại do không được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo kịp thời…, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh đề xuất, Hà Nội cần được bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm nghiên cứu, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hà Nội cũng cần có những ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; áp dụng thuế suất 5% hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Liên quan đến các đề xuất trên, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đánh giá, những góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học đều rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng đậm đà bản sắc. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và chuẩn bị dự thảo luật sửa đổi theo hướng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Hà Nội; bảo đảm có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, xứng đáng với vị thế, vai trò Thủ đô ngàn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.