(HNM) - Sự kiện Tập đoàn Siemens công bố
Một số ý kiến cho rằng, thứ hạng này sẽ còn "gắn bó" với Hà Nội trong thời gian nữa bởi những thách thức Thủ đô đang phải đối mặt như cơ sở hạ tầng phát triển chậm, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... không thể giải quyết trong thời gian ngắn bởi một trong những nguyên nhân cơ bản là vướng chế tài.
Bức xúc vì thiếu cơ chế
Các biện pháp, chế tài đủ mạnh sẽ tạo điều kiện để Thủ đô phát triển bền vững. Ảnh: Huy Hùng
"Chỉ số TP Xanh châu Á" do Tập đoàn Siemens khởi xướng và được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU). Chỉ số khảo sát hoạt động về môi trường dựa trên 8 tiêu chí: năng lượng và khí CO2, sử dụng đất và xây dựng, giao thông, chất thải, nguồn nước, vệ sinh dịch tễ, chất lượng không khí và quản lý môi trường. Trong số 22 TP được chấm điểm, Singapore đứng đầu vì "nổi bật với những mục tiêu tham vọng về môi trường và phương pháp hiệu quả để đạt được những mục tiêu đó". "Phương pháp" nói ở đây là chế tài mạnh mang tính đặc thù của Singapore. Hà Nội ở vào nhóm "dưới mức trung bình" cùng 3 TP của Ấn Độ (Bengaluru, Kolkata, Mumbai) và Thủ đô Manila của Philippines.
Tham chiếu với các tiêu chí mà EIU đưa ra, có thể dễ dàng nhận thấy những hạn chế của Hà Nội. Chẳng hạn trong lĩnh vực giao thông. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT, Hà Nội đang thiếu một quy hoạch tổng thể và đồng bộ về phát triển giao thông đô thị phù hợp với điều kiện KT-XH và tốc độ phát triển đô thị. Hiện tại, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thấp (chỉ chiếm khoảng 6-7% diện tích đất đô thị). Hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe thiếu về số lượng và kém về chất lượng (TP hiện có gần 1.200 điểm đỗ với tổng diện tích khoảng 430.000m2, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu). Đường sá chật hẹp, ý thức người tham gia giao thông chưa cao là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông.
Bàn về vấn đề môi trường và sử dụng đất trong phát triển giao thông đô thị, ông Nguyễn Việt Trung (Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Việc phát triển ồ ạt phương tiện giao thông cá nhân không chỉ là nguyên nhân gây tắc đường, lãng phí nghiêm trọng về thời gian và kinh phí mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, tác động xấu đối với sức khỏe con người, chưa kể việc có thể bắt gặp nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên trên các tuyến phố mới được mở rộng nhằm phát triển giao thông và tạo dựng mỹ quan đô thị...
Một số ý kiến cho rằng, lĩnh vực quản lý môi trường cũng như gìn giữ không gian xanh đô thị đang còn nhiều hạn chế. Các làng nghề của Hà Nội góp phần nuôi sống hàng vạn hộ gia đình, đóng góp nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhưng lại vô tư xả thải ra lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng đổ rác, đất phế thải bừa bãi nhưng chế tài xử phạt lại quá nhẹ chưa đủ sức răn đe vẫn còn phổ biến. Trong cơn lốc đô thị hóa, ao hồ nhanh chóng bị lấp dành đất xây dựng nhà ở, đặc biệt tại các khu vực làng xã lên phường đã góp phần gây ngập lụt nghiêm trọng mỗi khi có mưa lớn... Với chế tài hiện nay (Quốc hội cho phép), Hà Nội không thể xử lý mạnh tay những hành vi vi phạm môi trường bởi mức xử phạt quá nhẹ. Hà Nội đã nhiều lần đề nghị có cơ chế xử phạt mang tính đặc thù nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, người dân coi việc bị xử phạt như một chuyện bình thường và vẫn vô tư vi phạm.
Cần có chế tài đặc thù
Không phải đến khi Tập đoàn Siemens công bố mà từ lâu chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng cho Thủ đô một diện mạo mới, ngày càng xanh - sạch - đẹp, văn minh hiện đại, đồng thời cải thiện đời sống nhân dân. Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt dự án quy mô lớn đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Vĩnh Tuy, Công viên Hòa Bình, đường Lê Văn Lương kéo dài, đại lộ Thăng Long, trạm bơm Yên Sở, nút giao thông Kim Liên... Hà Nội bước đầu thực hiện thành công việc hạ ngầm, sắp xếp đường dây đi nổi tại một số tuyến phố. Thời gian tới, bên cạnh việc hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về giao thông cũng như các quy hoạch ngành khác, TP sẽ tập trung thực hiện các dự án quy mô lớn như: nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội đi các tỉnh, mở rộng các tuyến vành đai, đường hướng tâm...
Quyết tâm là thế nhưng thực tế cho thấy, Hà Nội vẫn chưa thực sự kiểm soát được một loạt vấn đề như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quy hoạch xây dựng, di dân tự do... Tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp với sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Dân số Thủ đô theo báo cáo của cơ quan chức năng là trên 6 triệu người nhưng có lẽ phải có cả triệu người dân từ các địa phương khác về sinh sống tại Hà Nội chưa được thống kê... Tất cả tạo ra sức ép mà dẫu nỗ lực, Hà Nội vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Để Hà Nội phát triển bền vững, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng, Hà Nội cần được hưởng những cơ chế đặc thù mạnh mẽ để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, phát triển Thủ đô xứng đáng là trái tim của cả nước, làm gương cho các tỉnh và TP khác. Pháp lệnh Thủ đô đến nay đã không còn phù hợp mà phải được nâng lên thành Luật Thủ đô. Trong Luật Thủ đô cần có những quy định đặc thù về chế tài xử phạt. Các cơ chế đặc thù mạnh mẽ ấy chính là "thuốc đặc trị" giúp Thủ đô giải quyết tốt vấn đề quản lý dân cư, quản lý xây dựng, quy hoạch giao thông đô thị, môi trường, sự quá tải tại bệnh viện, trường học... Nếu vẫn với sự hạn chế về… cơ chế như hiện nay, dù Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội rất cố gắng nhưng sẽ không giải quyết dứt điểm những phát sinh của quá trình đô thị hóa hiện nay.
Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", tạo hành lang pháp lý để Thủ đô xứng tầm với khu vực và thế giới, ông Nguyễn Ngọc Đào (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh: Tại sao chúng ta không cho chính quyền Hà Nội cấm việc buôn bán hàng rong, cấm buôn bán trên vỉa hè? Hãy cho Hà Nội một quyền năng với tư cách thay mặt cho cả nước xây dựng cho Hà Nội đẹp, cho Thủ đô của mọi công dân đẹp, chứ đừng nghĩ đây là đặc quyền của Hà Nội.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô cũng như ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực, bảo đảm tính hợp hiến...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.