(HNM) - Hôm qua 15-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Trung tâm hành chính quốc gia và trục Thăng Long vẫn là hai vấn đề lớn được ĐBQH quan tâm.
Đại biểu Quốc hội trao đổi về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Nhật Nam |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: "Không có chuyện dời đô"
Mở đầu phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đọc báo cáo bổ sung, làm rõ một số nội dung của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, không có khái niệm trung tâm hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô và càng không thể có chuyện "dời đô" như một số ý kiến băn khoăn trước đó. "Thủ đô Hà Nội có trung tâm chính trị Ba Đình vì là nơi có trụ sở các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, khu vực này không có điều kiện xây dựng tập trung tất cả trụ sở của các cơ quan đầu não của bộ máy hành chính quốc gia, mà thực tế phải bố trí phân tán nhiều khu vực khác nhau trong thành phố" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói - "Ba Vì hoàn toàn đáp ứng các điều kiện quy hoạch là nơi làm việc của các cơ quan hành chính trong tương lai. Trong ý tưởng quy hoạch, Ba Vì chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050. Trụ sở các bộ, ngành ở Mỹ Đình không nhất thiết phải chuyển đi nếu không có nhu cầu".
Về trục Thăng Long, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, bên cạnh chức năng giải quyết vấn đề giao thông, còn tạo đặc trưng, điểm nhấn về không gian kiến trúc mới cho Thủ đô Hà Nội và kết nối văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Đoài. Các dự án nơi có trục Thăng Long đi qua sẽ được quy hoạch lại.
Đại biểu Quốc hội: Phải thận trọng
Sau những thông tin bổ sung của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các đại biểu tiến hành thảo luận. Khẳng định sự cần thiết phải lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, song một số đề xuất được xem là "điểm nhấn" trong bản quy hoạch lại khiến một số ĐBQH lo lắng. ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng: Việc lựa chọn Ba Vì là nơi xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050. Rời trụ sở các bộ, ngành lên Ba Vì có lãng phí không? Tương tự, không có lý do gì để xây dựng một tuyến đường đắt đỏ như trục Thăng Long. Có ý kiến nói trục này kết nối văn hóa. Tôi cho rằng không có cơ sở bởi không có ai làm được việc kết nối văn hóa chỉ bằng một trục đường thẳng!. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhận định: Bộ Xây dựng rõ ràng chưa dứt khoát, vẫn còn... lưu luyến với ý tưởng dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì.... Về trục Thăng Long, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến: những lý do Chính phủ đưa ra để làm trục này không thuyết phục, nên cân nhắc lại. Bởi, "chỉ cách vài kilômét về phía phải và phía trái đã có đường Láng - Hòa Lạc và đường 32 rất rộng... Nếu chỉ tạo điểm nhấn mà làm trục này thì tốn kém quá, không nên.
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trà My |
Nhấn mạnh tầm quan trọng có ý nghĩa quốc gia của đồ án, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, phải được cân nhắc rất thận trọng. ĐB Lê Quốc Dung cho rằng: "Rất khó hiểu về trục Thăng Long và trung tâm hành chính. Hà Nội ngày càng chật chội mà mất đất cho một trục lớn như thế là rất lãng phí... ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đề nghị bỏ tên trục Thăng Long thay vào đó là trục nào đó ví dụ trục giao thông Ba Vì". Không nhất trí đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì.
Về trục Thăng Long và Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định... Tôi đã được theo dõi trong quá trình hình thành dự án này. Chính phía các liên doanh, tư vấn đã đưa ra ý định là xây dựng con đường nương theo địa hình, tôn trọng cảnh quan và hạn chế tối đa việc đô thị hóa hai bên đường và họ cũng gắn rất chặt với quan niệm tâm linh. Mà tôi cho không như Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói: đây không phải là hoàng đạo tâm linh, cái đó cần thiết vì tâm thức của chúng ta còn ứng xử như thế nào cho có lợi nhất, ưu việt nhất trong việc tính toán về lợi ích, về vấn đề đất đai, về vấn đề dân cư, về vấn đề tính hiệu quả và đầu tư, đấy là một bài toán về mặt kỹ thuật. Vì thế, có rất nhiều vấn đề có thể nêu ở đây, nhưng chúng ta nên quan tâm một vấn đề là vấn đề con người, là vấn đề văn hóa, là những chủ nhân tương lai của Hà Nội, tương lai những người quản lý và xây dựng nó, đương nhiên đây chỉ là quy hoạch chung về xây dựng nhưng tôi rất quan tâm đến việc phải xây dựng cho nó, đi cùng với nó là văn hóa. Chúng ta mở rộng không gian, chúng ta có thêm một văn hóa của xứ Đoài. Tôi cho rằng, đây là một dự án lớn, chúng ta phải nhìn hết sức toàn diện thì chúng ta mới có thể đưa ra được một tính hiện thực và tính khả thi để cho thực hiện trong tương lai.
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) lo về tính khả thi của đồ án. Ông nói: "Trong vòng 20 năm, ta phải xây dựng một đô thị hiện đại gấp 3 lần lịch sử 1000 năm Thăng Long, tính khả thi ở đâu, tôi chưa thấy có lý giải. Phải làm rõ động lực kinh tế để có thể xây dựng một đô thị khả thi nếu không sẽ dẫn tới quy hoạch treo và sự đầu cơ đất đai làm rối loạn". ĐB Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) băn khoăn: "Tổng kinh phí cho phát triển hạ tầng Thủ đô tới năm 2050 là 90 tỷ USD. Con số này quá lớn trong khi đất nước còn phải gánh rất nhiều "siêu" dự án hàng chục tỷ USD khác. Tôi e nợ quốc gia vượt quá chỉ số cho phép và dự án không khả thi. Chính phủ cũng cần xem xét làm thế nào phân kỳ, ưu tiên đầu tư cho phù hợp với giai đoạn...".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Trục Thăng Long sẽ là điểm nhấn kiến trúc
| ||
Ông Đoàn Cao Nam (18 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm): |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.