(HNMO) – Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quảng cáo ngày 30/5, nhiều đại biểu đề nghị, cần quy định cấm quảng cáo sữa bú bình thay sữa mẹ.
Nhận xét chung về nội dung của các hành vi cấm quảng cáo, đại biểu Trần Hồng Thắm - TP Cần Thơ cho rằng, danh mục 16 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định trong dự luật còn nhiều mục chưa cụ thể, không có tiêu chí để xác định vi phạm nên dễ bị chi phối bởi nhận thức cá nhân của từng người.
“Qua các cuộc tiếp xúc cử tri có rất nhiều ý kiến phản ánh đối với các chương trình trên báo đài, trong đó có chương trình quảng cáo, nhiều diễn viên trong các chương trình này ăn mặc rất phản cảm mà theo ý kiến của cử tri là ô nhiễm văn hóa mặc hoặc có những cử chỉ gây tác động xấu đến giáo dục trẻ em. Cụ thể như trong một chương trình quảng cáo sữa thì cô giáo cười cợt khi một học trò của mình vì quá ốm nên bị tụt trang phục khi lên bảng... Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ các tiêu chí để xác định vi phạm hoặc đưa các tiêu chí xác định này vào văn bản hướng dẫn thi hành luật để việc xử lý vi phạm kịp thời, đồng bộ và khách quan”, đại biểu Thắm nói.
Đi vào các quy định cấm cụ thể, nhiều đại biểu nhất trí đề nghị, cần cấm quảng cáo sữa bú bình thay thế sữa mẹ.
Theo đại biểu Khúc Thị Duyền – Thái Bình, trong thời gian qua, chúng ta đã dành rất nhiều thời gian nâng cao kiến thức cho bà mẹ về việc dùng sữa mẹ. Rất nhiều hội nghị chuyên đề và lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kiến thức cho bà mẹ. Nếu chúng ta bỏ đi quy định cấm quảng cáo uống sữa bình thay sữa mẹ thì chỉ cần 1 giây chúng ta quảng cáo các loại sữa thay thế sữa mẹ, nếu sữa đó không tốt, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ.
“Chúng tôi đề nghị Ban dự thảo nên giữ nguyên Khoản 4 Điều 8 và các sản phẩm về thay thế sữa mẹ, chúng ta cũng phải đưa vào trong khoản cấm của chúng ta về các sản phẩm này”, đại biểu Duyền nói.
Cùng chung kiến nghị, đại biểu Nguyễn Thu Anh - Lâm Đồng cho rằng, mặc dù nuôi con bằng sữa mẹ hay không là quyền của các bà mẹ, nhưng với hình thức quảng cáo sữa bú bình tràn lan, độc đáo và tinh vi như vừa qua, rất dễ lôi cuốn và dụ dỗ các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy, để đảm bảo quyền nuôi con bằng sữa mẹ của trẻ em và để thực thi nghiêm luật quốc tế, đại biểu Thu Anh nhất trí đề nghị đưa sản phẩm sữa dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào điều cấm của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình nhấn mạnh thêm, sữa mẹ có giá trị mà không một sản phẩm nào có thể thay thế được. Sữa quảng cáo có thể tốt hơn nhưng có những hậu quả như có thể gây béo phì, sỏi thận và nhiều lý do khác.
‘Nếu chúng ta để cho quảng cáo thì sẽ tạo những sự hiểu nhầm và có hiện tượng nhiều bà mẹ không tin vào sữa của mình. Vì thế mà thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến việc cho con bú. Nó cũng dẫn đến việc đề cao các sữa quảng cáo và bỏ đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là tình mẫu tử gắn với người mẹ trong thời gian cho con 24 tháng. Chính vì thế làm cho người mẹ có dần niềm tin và từ đó ảnh hưởng đến việc sử dụng sữa mẹ cho con bú”, đại biểu Phương phân tích.
Mặt khác, theo đại biểu Phương, hiện nay, chúng ta chưa kiểm soát được sữa quảng cáo và đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái... Đặc biệt, khi Quốc hội đang sửa đổi Luật lao động theo hướng tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng để tăng thêm khả năng nuôi dưỡng, cải tạo nòi giống, chống suy dinh dưỡng, còi xương, nhẹ cân của trẻ Việt Nam, mà Luật quảng cáo lại cho phép quảng cáo sữa bình thì dần dần, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh cũng đồng tình kiến nghị, không nên bỏ quy định cấm các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ. Ngoài những lợi ích của việc sử dụng sữa mẹ như các đại biểu đã phân tích, đại biểu Tâm cho rằng, với những vấn đề bất cập trong quảng cáo thời gian qua, dự luật cần phải khẳng định sự ủng hộ đối với việc sử dụng sữa mẹ đã được khoa học chứng minh và nâng tính pháp lý của quy định này lên.
Đại biểu Võ Ngọc Thứ - Kiên Giang đề nghị, tốt nhất dự luật nên cấm quảng cáo sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, hoặc tối thiểu cũng phải là 12 tháng tuổi. Bởi Luật Quảng cáo này chi phối nhiều luật khác và liên quan đến nhiều luật khác, nếu cấm quảng cáo sữa bú bình, chúng ta vừa bảo vệ cho trẻ quyền để bú sữa mẹ và người mẹ có quyền cho trẻ bú sữa, đặc biệt không phải băn khoăn khi so sánh giữa sữa mẹ và sữa được quảng cáo. Việc dùng sữa mẹ cũng sẽ giúp ngân sách của gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí lớn.
Cũng liên quan đến các nội dung cấm quảng cáo, các đại biểu đề nghị, cần quy định các cửa hàng phải đặt biển hiệu bằng chữ Việt Nam đúng với tên gọi đầy đủ trong quyết định thành lập hoặc trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấm quảng cáo dưới hình thức phát tờ rơi, tờ gấp, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo ngoài nơi quy định; cấm quảng cáo trên bìa tập vở học sinh; cấm lạm dụng các vấn đề về nhân đạo để lồng vào việc quảng cáo các sản phẩm; cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm quảng cáo trên mặt đường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.