(HNM) - Trong chương trình thi đấu của Olympic, một số môn từ lâu đã được đánh giá là phù hợp với tố chất của người Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa phát triển mạnh mẽ. Thực tế, muốn có nhiều hơn số đoàn tham dự những môn như thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật hay nhảy cầu cũng không dễ, đòi hỏi các nhà quản lý phải có cái nhìn dài hạn.
Quen với cảnh ít đoàn
Theo lý thuyết, một giải vô địch quốc gia càng đông đoàn tham dự sẽ càng tạo điều kiện để tuyển chọn vận động viên cho đội tuyển quốc gia. Từ đó, các nhà tuyển trạch có nhiều lựa chọn hơn về nhân sự. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ở những môn như thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, nhảy cầu... các nhà tuyển trạch của đội tuyển quốc gia luôn phải chấp nhận cảnh có quá ít lựa chọn từ nguồn vận động viên tham dự giải toàn quốc.
Bộ môn thể dục nghệ thuật hiện gặp nhiều khó khăn để phát triển. Ảnh: Tiến Tuấn |
Giải vô địch Thể dục dụng cụ toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội vào tuần trước là một ví dụ điển hình. Giải chỉ có 4 đội với 36 vận động viên tham dự. Không ai trong giới chuyên môn bất ngờ với việc này, dù đây là môn thi đấu đã mang về không ít vinh quang cho thể thao Việt Nam. Những vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam đã giành hàng loạt huy chương từ cấp độ Đông Nam Á tới châu lục, thế giới và đã góp mặt ở Olympic với suất chính thức.
Nhưng từ nhiều năm nay, vẫn chỉ có 4 đội tham dự Giải vô địch Thể dục dụng cụ toàn quốc, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quân đội. Còn ở cấp độ giải trẻ, phải đến 3 năm gần đây, ngoài 4 đoàn trên mới xuất hiện thêm đoàn Cần Thơ. Việc Cần Thơ đầu tư cho môn thể dục dụng cụ là do Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia IV, đặt tại Cần Thơ, được cấp một bộ dụng cụ tập luyện. Nhờ đó, Cần Thơ mới có tuyến trẻ thể dục dụng cụ. Tuy nhiên, tuyến này chưa đủ tuổi để thi đấu ở giải vô địch toàn quốc nên giải vẫn chỉ có 4 đội.
Với Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc gần đây nhất cũng vậy, chỉ có 3 đội tham dự, trong đó Hà Nội có 2 đội. Môn thể thao này dù phát triển mạnh ở một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore nhưng lại khó phát triển tại Việt Nam. Đến nay, chỉ còn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đầu tư cho môn thể thao này. Cũng vì được ít địa phương đầu tư nên thể dục nghệ thuật không có tên trong chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Đó là thiệt thòi không nhỏ cho thể thao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sau nhiều năm cố gắng duy trì phong trào. Chỉ riêng môn nhảy cầu là thu hút nhiều đoàn tham dự giải vô địch toàn quốc hơn cả. Tại Giải vô địch Nhảy cầu toàn quốc năm 2017, có 7 đoàn tham dự, trong đó có 2 đoàn của TP Hồ Chí Minh.
Trong quá khứ, nhảy cầu đã từng mang về Huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường SEA Games, từng có vận động viên tiệm cận với vé tham dự Olympic (năm 2008). Nhưng hiện nay, môn nhảy cầu đang phải xây dựng lại lực lượng.
Không dễ gỡ khó
Bà Trương Ngọc Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhảy cầu (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) khẳng định, tố chất, thể hình của vận động viên Việt Nam phù hợp với môn nhảy cầu. Câu chuyện về việc bộ đôi Anh Duy - Duy Sang từng gần giành vé dự Olympic 2008 đã khẳng định điều này. Thế nên từ nhiều năm nay, thể thao Hà Nội vẫn quyết tâm đầu tư cho môn này.
Còn ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) cũng cho rằng, vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam có thể đua tranh sòng phẳng tại những đấu trường lớn nhất của thế giới nếu được đầu tư thích đáng. Và quan trọng là phải có niềm tin để thực hiện mục tiêu ấy.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, cách đây 20 năm khi Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 19 năm 1997 tại Indonesia, đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đã đặt mục tiêu giành Huy chương vàng nhưng nhiều nhà quản lý thời đó cho rằng không thể thực hiện được. Cuối cùng, tấm Huy chương vàng của vận động viên Nguyễn Thị Nga ở nội dung cầu thăng bằng đã chứng minh điều ngược lại, mở ra một giai đoạn phát triển mới về thành tích tại các đấu trường quốc tế...
Có thể khẳng định rằng, vấn đề mấu chốt nhất để phát triển lực lượng những môn này chính là ở tư duy quản lý. Ông Nguyễn Hồng Minh cho hay, đào tạo một vận động viên thể dục dụng cụ phải mất ít nhất 8 năm mới có thể tham gia thi đấu. Sự công phu và tốn kém này cũng là rào cản khiến môn thể dục dụng cụ ít phát triển ở Việt Nam. Riêng môn thể dục nghệ thuật còn khó hơn khi phụ thuộc vào tố chất vận động viên, vào chuyên gia nước ngoài giỏi. Vì thế rất ít địa phương dám đầu tư...
Bà Trương Ngọc Lan cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cho rằng, để một vận động viên nhảy cầu đạt đến trình độ toàn quốc cũng phải mất ít nhất 8 năm, tương đương hai chu kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Trong khi đó, vận động viên nhảy cầu phải được tập luyện từ khi bắt đầu học tiểu học, nên kéo theo sự vất vả trong công tác quản lý, chăm sóc... Vậy nên, chỉ khi chấp nhận, nhìn xa thì các nhà quản lý mới có thể đầu tư cho môn thể thao này.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, chính nhà quản lý cũng phải xác định rõ, có thể trong nhiệm kỳ của mình sẽ không được chứng kiến thành quả từ sự đầu tư cho một lứa vận động viên thể dục dụng cụ mới, nhưng sẽ đến trong những nhiệm kỳ tiếp theo thì mới mạnh dạn đầu tư cho thể dục dụng cụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.