(HNM) - Tôi thường xuyên đi xe từ thành phố Hòa Bình về xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên trên tuyến đường 6, qua thị trấn Xuân Mai, Chợ Bến, Quán Tròn. Nhiều lần đến Bến xe Mỹ Đình, tôi thấy mật độ xe khách qua đây ngày càng nhiều và lượng khách cũng ngày càng đông hơn.
Tình trạng ùn tắc một phần là do bố trí chưa hợp lý các luồng giao thông. Ảnh: Huy Hùng |
Do bố trí các luồng xe về Mỹ Đình quá nhiều, cộng với việc dừng, đỗ, đón, trả khách tùy tiện, khiến cho đường càng thêm đông, lượng xe đi lại chồng chéo. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên, kéo dài. Đơn cử như tuyến đường số 6 và tuyến đường 21B cũng đều phải qua Mỹ Đình, làm cho Bến xe Yên Nghĩa đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, chẳng kém Bến xe miền Đông Nam bộ, nhưng hiện vẫn vắng teo. Chính vì vậy, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cần rà soát, bố trí lại các luồng xe khách về Bến xe Mỹ Đình cho hợp lý; đồng thời chấn chỉnh các xe buýt lưu thông trong thành phố, làm sao chuyển tải nhanh, tốt nhất cho người có nhu cầu đi lại các tỉnh xa hoặc ra Sân bay Nội Bài. Nên điều chỉnh các luồng xe khách của các tỉnh chở khách thẳng vào Bến xe Mỹ Đình. Các xe khách ngoại tỉnh chỉ được trả, đón khách tại các bến xe ở đường Vành đai 3 của thành phố Hà Nội. Tổ chức phân luồng, chuyển hành khách đi các tỉnh từ các bến xe bên ngoài thành phố trên các tuyến đường hợp lý. Muốn vào trung tâm thành phố phải đi xe buýt công cộng và nếu xe buýt chở không hết khách, chậm giờ làm việc của CBCNV, các công ty xe buýt phải chịu trách nhiệm. Xe buýt nên có đường ngắn, đường dài, không nên lẫn lộn như hiện nay. Có xe một chặng, có xe ba, năm chặng mới đỗ cho nhanh, ai đi xe nào đứng dưới cọc có số xe chờ đợi. Trên tuyến Vành đai 3, nên xây dựng nhiều bến xe đủ lớn để phục vụ hành khách đi lại. Chẳng hạn, Bến xe Xuân Mai cần được mở rộng thêm và di chuyển ra gần ngã ba Xuân Mai để đón các xe khách từ Tây Bắc xuống, đường Hồ Chí Minh về và đường 21A lên. Từ Bến xe Xuân Mai sẽ phân loại khách đi tiếp các tỉnh theo nhu cầu và điều độ như: có nhu cầu đi các tỉnh phía bắc, không phải về Yên Nghĩa; nếu đi phía nam cho đi theo đường Hồ Chí Minh, rồi rẽ ngang về các tỉnh. Hiện tại, đường Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động, nhưng các lái xe vào phía Nam chưa muốn đi nhiều, vì hạ tầng cơ sở chưa bảo đảm: thiếu trạm xăng, ga ra sửa chữa và chốt bảo đảm an toàn giao thông còn ít…
Các xe lưu thông trên tuyến 21B đều phải trả, đón khách tại Bến xe Yên Nghĩa (có thể sử dụng Bến xe Vân Đình để điều tiết luồng xe đi phía nam và đông thành phố Hà Nội), kể cả xe buýt từ chùa Hương về Giáp Bát, Mỹ Đình cho rẽ ngang đường Bình Đà - Thường Tín hoặc Quán Tròn - Tía (hai đường này chưa có xe khách phục vụ nhân dân). Các tuyến phía nam, đông, bắc Hà Nội đều có thể làm như vậy, chắc chắn sẽ giảm thiểu được số lượng xe khách trên đường phố Hà Nội và tất nhiên số đầu xe buýt sẽ phải tăng nhiều. Không nên đầu tư xây dựng những chung cư cao tầng trong đường Vành đai 2 để giảm thiểu dân số cố định trong lòng Thủ đô, góp phần tích cực giữ gìn phố cổ Hà Nội. Giảm thiểu xây dựng và nhanh chóng di chuyển các bệnh viện lớn, các trường đại học ra khỏi Vành đai 3. Cần đầu tư cho các tỉnh có trường đại học, bệnh viện đủ mạnh để phục vụ nhu cầu học tập và khám chữa bệnh tại chỗ. Cán bộ Sở Giao thông - Vận tải thường xuyên phải kiểm tra, giám sát và phải chịu trách nhiệm chính về mọi hoạt động giao thông tại các điểm, bến xe mình phụ trách.
Với tinh thần trách nhiệm của công dân, tôi góp ý kiến nhỏ để các cơ quan chức năng của Hà Nội tham khảo, nghiên cứu, làm sao để thành phố không còn nạn tắc đường như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.