“Bánh cốm Nguyên Ninh là một thương hiệu lớn, truyền thống của Hà Nội. Khi bước vào cơ sở, chúng tôi quan sát phía bên ngoài khách mua rất đông, có cả người nước ngoài. Thế nhưng, khi bước vào bên trong khu vực sản xuất, bản thân tôi thực sự bất ngờ và sốc…”.
Đó là nhận xét của ông Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) sau buổi kiểm tra tại cơ sở bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (tại địa chỉ 11 Hàng Than, quận Ba Đình) vào chiều 2-1.
Theo giới thiệu của bánh cốm Nguyên Ninh, đây là thương hiệu thành lập từ năm 1865 tại số 11 phố Hàng Than.
Món bánh này từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người Hà Nội. Vào những dịp cao điểm, nơi đây bán ra khoảng 1.000 chiếc bánh cốm/ngày.
Thế nhưng, như Báo Hànộimới đã đưa tin, tại buổi kiểm tra cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh vào chiều 2-1, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội ghi nhận, từ cơ sở vật chất (gồm quy trình, kho, giá, kệ…) đến nhân sự làm việc tại cơ sở, tem nhãn sản phẩm đều không tuân thủ đúng quy định. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động.
Trực tiếp kiểm tra cơ sở này, ông Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội), thành viên Đoàn kiểm tra thực sự bất ngờ và sốc khi chứng kiến quy trình sản xuất thủ công, tạm bợ; tận dụng khu bếp chật hẹp, xuống cấp của gia đình làm nơi sản xuất, không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Nhà vệ sinh trong khu vực chế biến, quần áo cũng giặt giũ luôn tại đấy. Hệ thống kho bảo quản nguyên liệu không có. Tường, sàn, trần nhà ẩm mốc, xuống cấp nghiêm trọng. Trang thiết bị dụng cụ dùng để sản xuất thô sơ và rất bẩn. Tôi quan sát có cả phân chuột, phân gián. Xung quanh một chiếc chảo đang xào cốm là những chiếc giẻ bẩn… Chúng tôi thấy rất tiếc cho một thương hiệu lớn!”, ông Trần Việt Dũng nhận xét.
Theo quy định, những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và phải khám sức khỏe định kỳ.
“Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi cơ sở về giấy khám sức, việc tập huấn cho nhân viên trực tiếp sản xuất thì người đại diện cơ sở “lơ ngơ”, không hiểu”, ông Trần Việt Dũng thông tin.
Phụ trách đoàn kiểm tra cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh vào chiều 2-1, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng nhận thấy, cơ sở này không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm để đi vào sản xuất.
“Dù cơ sở gia truyền, sản xuất theo phương pháp thủ công nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Quận Ba Đình cần có các buổi tập huấn hướng dẫn, thậm chí phải thẩm định các điều kiện trên thực tế tại cơ sở”, ông Nguyễn Quang Trung nêu.
Vào tháng 8-2024, bánh cốm Nguyên Ninh được quận Ba Đình phân hạng OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Các sản phẩm sau khi đạt sao OCOP đều phát triển tốt, được nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung đề nghị, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Ba Đình chỉ đạo bộ phận thường trực giúp việc cho công tác cấp sản phẩm OCOP này phải triển khai việc thẩm định thực tế tại cơ sở.
“Ngoài hồ sơ, cần phải có kiểm tra trên thực tế”, ông Trung nhấn mạnh.
Từ sự việc một thương hiệu lớn như Nguyên Ninh nhưng lại xem thường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Trần Việt Dũng yêu cầu, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Ba Đình chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, nhất là các thương hiệu truyền thống.
“Không chỉ tuyên truyền vận động, hướng dẫn họ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, mà phải tăng cường kiểm tra. Qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là đình chỉ, kể cả các thương hiệu lớn”, ông Dũng lưu ý.
Để có thương hiệu đã khó, giữ được lại càng khó hơn. Ngay sau khi thông tin về việc “Hà Nội tạm dừng hoạt động cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh” được đăng tải trên Báo Hànộimới, rất nhiều độc giả ở khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ sự bức xúc cùng với những nỗi lo về vấn nạn thực phẩm “bẩn”.
Là khách hàng “ruột” của bánh cốm Nguyên Ninh, anh Khổng Doãn Duy (45 tuổi, ở quận Long Biên) bày tỏ: “Bánh cốm là món quà mà cả trẻ con và người lớn trong gia đình tôi đều rất thích. Tôi cũng thường xuyên mua bánh cốm Nguyên Ninh để làm quà biếu cũng như muốn giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về đặc sản của người Hà Nội. Vậy mà, tôi thật bất ngờ về sự làm ăn bát nháo, coi thường sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng của cơ sở này. Mong rằng, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm, có hình phạt thật nặng để tạo tính răn đe”.
Với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như bà Đặng Thị Thìn (73 tuổi, ở quận Ba Đình) thì bánh cốm đã trở thành món quà không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp của người dân Việt. Đây cũng là món quà được ưa chuộng của nhiều du khách thập phương.
“Với một thương hiệu lớn như bánh cốm Nguyên Ninh, cần phải đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng chuyên nghiệp, nhất là phải tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để giữ vững thương hiệu, giữ “chân” khách hàng, chứ không phải sản xuất một cách tạm bợ, lừa dối người tiêu dùng như vậy ”, bà Thìn nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.