Giáo dục

Cần bổ sung gần 6.500 giáo viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật

Thống Nhất 07/03/2025 - 17:33

Đến năm 2030, cả nước có gần 11 nghìn viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, trong đó số cần bổ sung là gần 6.500 người.

2025-thai-van-tai-.jpg
Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài. Ảnh: MOET

Tại buổi họp báo công bố Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều 7-3 tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài thông tin: Quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 25-2-2025.

Về phương án phát triển, ông Thái Văn Tài cho biết, mục tiêu đến năm 2030, cả nước vận hành hiệu quả 12 cơ sở giáo dục chuyên công lập chuyên biệt đối với người khuyết tật và 94 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập. Các cơ sở này bảo đảm đủ diện tích đất xây dựng phòng học, phòng chức năng phù hợp với quy chuẩn/tiêu chuẩn; đáp ứng nhu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất cần thiết về giáo dục đối với người khuyết tật; có thiết bị, học liệu đáp ứng cơ bản nhu cầu giáo dục của người khuyết tật.

Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện, các địa phương có thể thành lập mới nhiều hơn so với quy hoạch về số lượng các cơ sở giáo dục chuyên biệt với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. ố lượng các đơn vị công lập được xác định trong quy hoạch chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo dự báo.

Liên quan đến phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030 có gần 11 nghìn giáo viên, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật, trong đó số lượng cần được bổ sung mới là gần 6.500 người, bao gồm 900 giáo viên và 5.500 viên chức.

Các nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai để đạt mục tiêu đề ra gồm phát triển nguồn nhân lực; liên kết hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ vốn đầu tư…

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai các đề án, dự án; rà soát, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phát triển giáo dục đối với người khuyết tật; phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trong việc xác định vị trí việc làm cho cán bộ, giáo viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập đối với người khuyết tật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bổ sung gần 6.500 giáo viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.