(HNM) - Khúc sông có diện tích mặt nước khoảng 72.000m2 nhưng chỉ được chính quyền địa phương đấu thầu với giá hơn 70 triệu đồng/năm, hợp đồng không được thanh lý, kéo dài từ năm này qua năm khác cùng với những lần miễn, giảm, hỗ trợ tiền cho chủ hợp đồng không có căn cứ… đã là nguyên nhân châm ngòi khiếu kiện tại xã Tri Trung (Phú Xuyên).
Sông Chùa Bến trở thành tiêu điểm khiếu kiện ở xã Tri Trung. |
Trên địa bàn xã Tri Trung có đoạn sông cụt, một đầu tiếp giáp với sông Nhuệ chạy dọc địa bàn thôn Trung Lập thuộc quỹ đất công do UBND xã quản lý. Để phát triển kinh tế địa phương, năm 2004, UBND xã đã tổ chức đấu thầu để cấy lúa, thả cá, người trúng thầu là ông Lê Đăng Ầm với giá trị hợp đồng 80 triệu đồng/năm, đến 30-12-2008 hết hạn. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, ông Ầm đã làm đơn và được UBND xã miễn giảm 7 lần với tổng số tiền 63.396.000 đồng. Song đối chứng với thực tế cho thấy, UBND xã Tri Trung nhiều lần miễn giảm chưa đúng quy định như: Xét miễn, giảm tiền bơm nước cho sản xuất nông nghiệp và số lượng cá chết không xác định chính xác số lượng; trong hợp đồng không có trồng cây nhưng khi làm đường lại có khoản hỗ trợ giải tỏa cây và số lượng không cụ thể… Với 4 lần miễn giảm không đủ căn cứ, xã Tri Trung đã làm thất thoát số tiền lên đến 27 triệu đồng. Năm 2009, hợp đồng hết hạn, thay vì tổ chức đấu thầu lại, UBND xã Tri Trung tự ý cho ông Ầm ký tiếp hợp đồng, thời gian từ tháng 5-2009 đến 30-12-2011. Chưa hết, dựa vào lý do dự án đường Tri Trung - Hoàng Long có hạng mục kè sông nên sông Chùa Bến phải bơm cạn nước, thu hẹp diện tích thầu… ông Ầm lại được UBND xã miễn, giảm 79.750.000 đồng. Đáng chú ý, việc xét miễn, giảm chỉ "gói gọn" thành phần là một số lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của xã nên thiếu khách quan dẫn đến số tiền xét miễn, giảm không có căn cứ lên đến 35 triệu đồng; đặc biệt, có diện tích đã được thanh lý hợp đồng từ năm 2009, nhưng đến năm 2010 vẫn được hỗ trợ 9.750.000 đồng?!
Trong khi hợp đồng thầu sông Chùa Bến còn một năm nữa mới hết hạn và mặc dù không có nghị quyết của UBND xã, thế nhưng lãnh đạo xã đã vội ký thêm phụ lục hợp đồng, kéo dài thời hạn thầu đến năm 2014! Sự mập mờ này khiến người dân nghi ngờ: Vì sao chủ hợp đồng thầu sông Chùa Bến được hưởng nhiều ưu đãi đến vậy? Có hay không lợi ích "ngầm" của cán bộ xã trong đó? Chưa kể, hợp đồng thầu ban đầu có giá trị 80 triệu đồng/năm, song qua hai lần gia hạn, giá trị hợp đồng lại bị đánh tụt xuống còn 72.500.000 đồng/năm? Trả lời những thắc mắc này, Ban Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và HĐND xã Tri Trung vẫn khẳng định việc gia hạn, ký tiếp hợp đồng đều được bàn bạc tập thể, đạt sự nhất trí cao của Đảng ủy, HĐND, UBND xã và làm đúng quy định(!?).
Và việc giảm giá trị của hợp đồng xuống 72.500.000 đồng/năm là do một phần diện tích thầu bị thu hồi để chuyển đổi thành đất giãn dân và làm đường Đỗ Xá - Quan Sơn (số diện tích giảm bao nhiêu lãnh đạo xã không cung cấp cho phóng viên). Tuy nhiên, lý lẽ này không thuyết phục được người dân khi họ dẫn chứng tại thời điểm ký lại hợp đồng thì mức thầu một sào (360m2) ao hoặc sông tại địa phương có giá khoảng 1,2 triệu đồng/năm, do đó sông Chùa Bến phải có giá thầu khoảng 200 triệu đồng/năm mới tương xứng. Vậy, giá trị thực của hợp đồng thầu sông Chùa Bến là bao nhiêu, có làm thất thoát tiền hay không?
Trước những vi phạm trên, tháng 11-2012, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Xuyên yêu cầu UBND xã Tri Trung phải có trách nhiệm thu hồi hơn 71 triệu đồng vì đã miễn, giảm không có cơ sở; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm; phải thanh lý xong hợp đồng sông Chùa Bến trong năm 2012… Nhưng đã hơn 3 tháng trôi qua đến nay hợp đồng chưa được thanh lý vì đại diện UBND xã vẫn đang "đàm phán" với ông Ầm. Trong khi đó, ông Ầm cương quyết: "UBND xã không thể thanh lý hợp đồng vì tôi không vi phạm điều khoản nào của hợp đồng; còn nếu đơn phương chấm dứt, UBND xã phải bồi thường thiệt hại". Về việc này, ông Trần Trung Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tri Trung, lý giải: UBND xã đã thông báo, mời ông Ầm ra làm việc nhưng ông Ầm không đồng ý thanh lý và ra điều kiện: Nếu UBND xã đơn phương thanh lý hợp đồng thì phải bồi thường 500 triệu đồng? UBND xã yêu cầu ông Ầm chứng minh số tiền đó nhưng ông Ầm chưa đưa ra được dữ liệu. Còn số tiền hơn 71 triệu đồng nếu ông Ầm không trả thì cá nhân những cán bộ liên quan phải liên đới trách nhiệm trả tiền vào ngân sách nhà nước…
Những vi phạm trên đều bắt nguồn từ chủ quan của cán bộ chính quyền địa phương, do đó người dân có quyền nghi ngờ tính minh bạch về giá trị của hợp đồng thầu sông Chùa Bến. Đề nghị Huyện ủy Phú Xuyên đôn đốc cán bộ xã Tri Trung khắc phục sai phạm, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trong quản lý, điều hành, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.