(HNM) - Nhờ làm tốt công tác sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy bảo đảm kịp thời, hợp lý, tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã có bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực...
Một lớp đào tạo cán bộ của TP Hà Nội tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ảnh: Viết Thành |
Ông Khuất Văn Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây: Bài học từ việc luân chuyển cán bộ
Khi bắt tay thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy cấp thành phố tăng cao do phải gộp lại, đặc biệt là tại các sở, ngành, một số đơn vị sự nghiệp… Thời điểm đó có sở lên đến 13 phó giám đốc, không ít sở, ngành có 6-8 phó giám đốc…, điều này đã khiến những người làm công tác tổ chức cán bộ phải tính toán kỹ lưỡng.
Trước thực trạng số lượng cán bộ lãnh đạo quá đông, bộ máy cồng kềnh, để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới, TP Hà Nội đã chú trọng công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Chính việc luân chuyển cán bộ từ các sở, ngành về các quận, huyện, thị xã đã giúp nhiều cán bộ thiếu kinh nghiệm thực tiễn được bổ sung kịp thời, qua đó tạo ra môi trường đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cho thành phố sau này.
Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất: Cán bộ là “cái gốc” của mọi việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, Hà Nội luôn coi trọng công tác tổ chức cán bộ, từ khâu quy hoạch, đào tạo, cho đến bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ. Trong đó, bài học trong sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy sau 10 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính là một ví dụ.
Qua theo dõi tôi được biết, trong suốt quá trình sắp xếp, tổ chức cán bộ, từ đội ngũ cán bộ Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp… đến nay tuyệt nhiên không có đơn, thư khiếu nại liên quan đến công tác này. Bởi lẽ, trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cách thức thực hiện khoa học, bài bản, chính xác. Kết quả thực hiện việc sắp xếp cán bộ điều chỉnh địa giới của TP Hà Nội đã được Trung ương đánh giá cao, coi đây là điển hình để các cấp ủy Đảng trong cả nước học tập.
Ông Lê Văn Minh, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì: Một công việc rất khó
Thành công nhất của công tác sắp xếp cán bộ sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới không phải là “sắp xếp cho xong” mà là sắp xếp làm sao để vừa phù hợp với chủ trương, vừa phù hợp với thực tế. Đây là công việc cực kỳ khó khăn, nhưng Hà Nội đã thực hiện thành công. Tôi còn nhớ một phát biểu của lãnh đạo chủ chốt TP Hà Nội lúc bấy giờ: “Điều khó khăn nhất là việc hợp nhất tổ chức bộ máy và cán bộ. Đây là việc có ý nghĩa rất quyết định, làm tốt việc này thì những việc khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, còn nếu làm không tốt thì cũng phát sinh thêm những khó khăn mới”.
Quả thực, nhận định đó đúng và với phương châm “Công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc”, công tác tổ chức cán bộ sau điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội đã thành công. Để rồi đến nay, Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được cải thiện rõ nét, đời sống của nhân dân được nâng lên.
Bà Bùi Thị Phương, đảng viên thuộc Đảng bộ xã Đông Yên, huyện Quốc Oai: Ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn cơ sở
Tôi còn nhớ những năm trước khi điều chỉnh địa giới hành chính, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, xử lý công việc của đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn còn nhiều hạn chế, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa cao. Ở một số xã miền núi hay vùng xa, nhiều cán bộ “trưởng thành từ phong trào” có tư tưởng “ngại học” dẫn đến hiệu quả giải quyết công việc thấp, đơn thư khiếu nại kéo dài.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tổ chức cán bộ, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, cùng với việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ nhằm bảo đảm “vận hành” tốt, hiệu quả bộ máy, những năm qua, TP Hà Nội đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp.
Nhiều lớp đào tạo cán bộ nguồn từ thành phố đến quận, huyện và cơ sở được tổ chức không chỉ trang bị cho đội ngũ cán bộ trình độ lý luận mà còn bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Nhờ làm tốt công tác cán bộ, Hà Nội có bước phát triển vững chắc, xứng đáng là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.